Theo đài RT ngày 11/3, đây là một động thái nữa mà Mỹ thực hiện để tăng cường sức ép kinh tế với Nga sau khi nước này đưa quân vào Ukraine. Cấm cung cấp USD cho Nga sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với nước xuất khẩu dầu lớn này vì hầu hết hợp đồng dầu được thanh toán bằng đồng tiền của Mỹ.
Ngày 2/3, Liên minh châu Âu cũng cấm xuất khẩu và nhập khẩu tiền giấy euro sang Nga. Chỉ có ngoại lệ dành cho các cá nhân đến Nga, các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế có quyền miễn trừ pháp lý.
Trước đó, ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết việc bỏ Quy chế "Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" với Nga sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua, song các nghị sỹ từ cả hai viện đều bày tỏ ủng hộ bước đi này. Theo giới chuyên gia, nếu được thực thi, đây là sẽ động thái gia tăng sức ép mới nhất mà Mỹ và các đồng minh đưa ra đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 28 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Nga bao gồm khoáng sản nhiên liệu, kim loại quý và đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ. Tất cả các mặt hàng này có thể phải chịu mức thuế cao hơn nếu Quốc hội Mỹ thông qua việc bãi bỏ quy chế trên. Trước đó, Tổng thống Biden đã thông báo áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và các nguồn năng lượng khác của Nga.
Các biện pháp trừng phạt sâu rộng chưa từng có nhằm vào ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, song song với lệnh hạn chế xuất khẩu, đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Nga. Hiện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay.
Tuy nhiên, ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan vấn đề Ukraine sẽ gây bất ổn các thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu, đẩy giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao vì Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Ông cũng khẳng định Nga sẽ vượt qua khủng hoảng và sẽ mạnh mẽ hơn.
Cùng ngày, Nga thông báo cấm xuất khẩu hơn 200 sản phẩm và thiết bị nước ngoài đến cuối năm 2022. Đây được coi là một phần phản ứng của Moskva trước những biện pháp trừng phạt từ các nước phương Tây sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ cuối tháng 2.
Danh sách cấm bao gồm các thiết bị công nghệ, liên lạc và y tế, các phương tiện, máy móc nông nghiệp và thiết bị điện. Tổng cộng hơn 200 mặt hàng đã được đưa vào danh sách tạm ngừng xuất khẩu, bao gồm cả toa xe lửa, container, tua-bin và các hàng hóa khác.
Ngoài ra, Chính phủ Nga cũng cấm xuất khẩu một số loại gỗ tới các nước “có hành động không thân thiện” với Moskva. Danh sách bao gồm 48 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Khoảng 20% diện tích rừng trên thế giới nằm ở Nga. Đây được coi là nguồn tài nguyên có thể khai thác để giúp Nga giảm phụ thuộc kinh tế vào các mặt hàng dầu mỏ và khí đốt.
Trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt trừng phạt Nga, Moskva đã đưa ra một số quyết định, bao gồm các biện pháp đáp trả trong lĩnh vực kinh tế cũng như các biện pháp tạm thời để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, tăng cường hỗ trợ các công ty đang bị trừng phạt để giúp duy trì việc làm và tiền lương. Ngày 9/3, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moskva đã lường trước và có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Chính phủ Nga khẳng định có đủ nguồn lực để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định trong bối cảnh hứng chịu các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.