Một căn cứ quân sự của Mỹ ở làng al-Asaliyah, giữa thành phố Aleppo và thị trấn Manbij, Syria. Ảnh: AFP/TTXVN |
Việc bán các điện thoại này tại các căn cứ quân sự Mỹ cũng như modem để kết nối Internet do 2 công ty nói trên chế tạo cũng bị cấm. Lầu Năm Góc cho biết hệ thống hơn 3.400 cửa hàng tại các căn cứ quân sự của Lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân Mỹ ở trong và ngoài nước Mỹ phải chuyển hết số điện thoại này đi nơi khác.
Phát ngôn viên của bộ trên, Thiếu tá Dave Eastburn nhấn mạnh: “Các máy điện thoại Huawei và ZTE có thể là mối nguy hiểm an ninh không thể chấp nhận đối với các nhân viên, dữ kiện và nhiệm vụ của đơn vị”. Quan chức này từ chối tiết lộ các chi tiết kỹ thuật liên quan đến mối đe dọa trên vì lý do an ninh, song khẳng định Bộ Quốc phòng Mỹ đang đánh giá tình hình và có thể ban hành thêm các chỉ thị khác nếu thấy cần thiết.
Trong khi đó, tờ Washington Post cùng ngày đưa tin Mỹ đang xem xét hạn chế một số doanh nghiệp Trung Quốc bán các thiết bị viễn thông tại nước này vì lý do tương tự. Theo báo này, Huawei và ZTE, hai nhà sản xuất thiết bị thông tin liên lạc lớn của thế giới, là hai doanh nghiệp khả năng cao sẽ nằm trong danh sách bị hạn chế. Hiện Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này. Huawei cũng như ZTE đều bác bỏ các cáo buộc rằng các thiết bị của họ được sử dụng để do thám.
Công nghệ là một trong những bất đồng thương mại gay gắt nhất hiện nay giữa 2 nền kinh tế đầu tàu thế giới. Huawei là một trong những nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Dư luận Mỹ quan ngại rằng tập đoàn này có thể gây tổn hại tới các tập đoàn cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông trong nước, cũng như nghi vấn về độ an toàn của những chiếc điện thoại đi động và thiết bị mạng của Huawei, vốn được sử dụng rộng rãi trên thế giới, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thu thập thông tin trái phép.
Trong khi đó, sau quá trình điều tra, giới chức Mỹ phát hiện từ năm 2010 tới tháng 3/2016, ZTE đã thực hiện hàng trăm chuyến vận chuyển hàng hóa của Mỹ tới Iran và Triều Tiên và dùng các biện pháp gian lận để che đậy hành vi của mình. Washington coi các hành động này là vi phạm các biện pháp trừng phạt nhằm vào hai nước nói trên.
Tháng 4 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã cấm các công ty trong nước xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cho ZTE, trong khi Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra đối với Huawei, nghi ngờ tập đoàn này vi phạm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Ủy ban Viễn thông liên bang nước này cũng đã đề xuất một luật mới, theo đó siết chặt kiểm soát hoạt động mua các thiết bị hoặc đăng ký dịch vụ của các công ty viễn thông liên quan tới các đối tác mà giới chức đáng giá là tiềm ẩn nguy cơ rủi ro an ninh nội địa. Nhiều công ty viễn thông lớn ở Mỹ hiện đã tẩy chay Huawei và ZTE Corp.