Ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ xét xử nghiêm khắc binh sĩ Mỹ đã thảm sát 16 dân thường Ápganixtan. Đây được coi là động thái nhằm xoa dịu làn sóng giận dữ đang bùng lên khắp Ápganixtan sau vụ việc trên.
Ông Obama cho rằng việc giết hại dân thường là "vô nhân đạo và không thể chấp nhận". Ông bày tỏ sự đau xót và nói rằng coi vụ việc nghiêm trọng như chính dân thường Mỹ bị sát hại. Tổng thống Obama cho biết đã chỉ đạo Lầu Năm Góc điều tra kỹ vụ việc và khẳng định thủ phạm gây ra vụ thảm sát sẽ chịu sự "trừng trị nghiêm khắc" theo luật pháp Mỹ.
Ông Obama khẳng định sẽ xét xử nghiêm khắc binh sỹ Mỹ đã thảm sát 16 dân thường Ápganixtan. Ảnh: Internet. |
Liên quan đến kế hoạch rút quân, Tổng thống Obama cho biết ông đã gặp Đại sứ Mỹ tại Ápganixtan Ryan Crocker và Tư lệnh Mỹ tại quốc gia này, Tướng John Allen, hồi đầu tuần để thảo luận về kế hoạch rút quân phù hợp. Ông Obama một lần nữa khẳng định vụ thảm sát sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch rút quân Mỹ khỏi quốc gia Nam Á này. Trước đó, ông Obama xác nhận sẽ rút thêm 23.000 quân vào cuối mùa Hè này, sau đợt rút 10.000 quân năm 2011. Hiện tại có 90.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Ápganixtan.
Tuy nhiên, tại Oasinhtơn, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cảnh báo việc tổng thống Mỹ tiếp tục nói về kế hoạch rút quân sẽ làm trầm trọng thêm tình hình tại Ápganixtan vì sẽ khiến cho nhóm Al-Qaeda và Taliban nghĩ rằng quân đội Mỹ đang dần bỏ rơi chiến trường này. Ông chỉ trích hoạt động quân sự của Mỹ tại Ápganixtan đang trong hoàn cảnh khó khăn, song cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm và không nên để vụ thảm sát ảnh hưởng đến tiến trình rút quân.
Cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jay Carney đã bác bỏ thông tin trên tờ Thời báo New York ngày 13/3 tiết lộ Oasinhtơn đang cân nhắc các khả năng rút thêm quân sau vụ việc trên.
Trong khi đó, liên quan đến căn cứ quân sự hỗn hợp Lewis-McChord (JPLM), nơi đồn trú của binh sĩ đã gây ra vụ thảm sát ngày 11/3, những cựu binh từng có mặt tại đó cho biết căn cứ này thường xuyên xảy ra các vụ bê bối và đã từng nhiều lần lập tòa án binh để xét xử các vụ thảm sát dân thường Ápganixtan. Căn cứ này có 40.000 lính, nhân viên dân sự và thân nhân, từng bị gọi "căn cứ hỗn loạn nhất" và bị chỉ trích là có bộ máy chỉ huy yếu kém. Năm 2011, có 12 trường hợp tự sát xảy ra tại căn cứ này khiến dư luận lo ngại về tình trạng các binh sĩ bị mắc chứng rối loạn tâm lý trầm trọng sau chiến tranh (PTSD) đã không được điều trị phù hợp. Theo các nguồn thạo tin, thủ phạm vụ thảm sát ngày 11/3 là một nam quân nhân tuổi có 2 con, cấp bậc hạ sĩ, được điều đến Ápganixtan từ tháng 12/2011, từng phục vụ ở chiến trường Irắc. Thủ phạm đã được chẩn đoán bị chứng chấn thương não (TBI) sau vụ lật xe ở Irắc.
Một sĩ quan Mỹ tiết lộ cuộc điều tra đang được tiến hành theo hướng đồ uống có cồn có thể liên quan đến vụ việc này. Nguồn tin trên cho biết hiện giờ chưa có kết quả rõ ràng, song có thể binh sĩ nói trên có thể đã uống rượu trước khi rời khỏi căn cứ hoặc đơn giản là các nhà điều tra đã phát hiện rượu tại khu vực cá nhân của người này. Luật nhà binh Mỹ cấm sử dụng hoặc tàng trữ rượu tại khu vực có chiến sự. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết thủ phạm vụ thảm sát này có thể bị kết án tử hình nếu bị kết tội.
Nhằm trả đũa vụ thảm sát ngày 11/3, các phiến quân đã tấn công phái đoàn Chính phủ Ápganixtan khi họ tới tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân ngày 13/3 tại ngôi làng Balandi ở miền Nam Ápganixtan. Trong phái đoàn này có cả hai người anh em của Tổng thống Ápganixtan Hamid Karzai và các quan chức an ninh cấp cao. Các quan chức cho hay ít nhất ba người đã bị thương trong vụ tấn công này. Tuy nhiên, các thành viên trong phái đoàn chính phủ đều an toàn và họ đã quay lại thành phố Canđaha.
Tại Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã bày tỏ sự tiếc thương trước vụ thảm sát tại Ápganixtan. Phát biểu với báo giới, ông Ban Ki-moon yêu cầu nhanh chóng xét xử những đối tượng phạm tội, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ dân thường.
TTXVN/Tin Tức