Trưởng Văn phòng Thú y Mỹ Rosemary Sifford xác nhận thông tin trên đồng thời cho biết nước này đang đối mặt với dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất kể từ năm 2015.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết những người ủng hộ nói rằng vaccine có thể giúp đàn gia cầm sống sót, ngăn ngừa thiệt hại tài chính và kiểm soát giá thực phẩm, mặc dù việc tiêm vaccine có thể là quá muộn để ngăn chặn đợt bùng phát hiện tại. Kể từ tháng 2 đến nay, dịch cúm gia cầm đã khiến 22 triệu con gà và gà tây chết tại Mỹ.
Trước đây, Mỹ tránh sử dụng vaccine do lo ngại rằng các nhà nhập khẩu sẽ cấm gia cầm Mỹ vì họ không thể phân biệt được những con gia cầm bị nhiễm bệnh với những con đã được tiêm phòng. Mỹ là nước xuất khẩu thịt gia cầm lớn thứ hai thế giới và là nhà sản xuất trứng lớn, với lượng xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Mỹ đang nghiên cứu tiềm năng của loại vaccine có thể phân biệt được với loại virus lây lan trong gia cầm.
Bà Rosemary Sifford cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rằng nếu có thể phát triển một loại vaccine như vậy, sẽ có ít tác động thương mại". Bà Rosemary Sifford cũng ước tính sẽ cần 9 tháng để phát triển loại vaccine này.
Ngoài Bắc Mỹ, cúm gia cầm đã lây lan tại châu Âu và châu Á. Bà Rosemary Sifford cũng nói rằng Bộ Nông nghiệp Mỹ đang phối hợp cùng các nước khác về giải pháp liên quan đến vaccine. Nhiều nhà nhập khẩu như Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu gia cầm từ hàng chục bang tại Mỹ do dịch cúm gia cầm đang bùng phát.
Mặc dù vaccine có thể bảo vệ gia cầm nhưng một số nhà sản xuất lo ngại rằng chúng có thể tăng chi phí đối với việc nuôi gia cầm lấy thịt.