Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, biện pháp này sẽ được áp dụng đối với các cá nhân đang cư trú tại Sudan hoặc ở nước ngoài, bị cho là có trách nhiệm hoặc đồng loã, đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp phá hoại các nỗ lực của chính phủ chuyển tiếp Sudan trong việc thực hiện Thoả thuận chính trị 17/7/2019 và Tuyên bố Hiến pháp 17/8/2019. Bên cạnh đó, hạn chế thị thực cũng được mở rộng đối với các hành vi cản trở việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2022 và tham nhũng.
Thủ tướng Abdalla Hamdok đã lên nắm quyền vào tháng 9/2019 với tư cách là nhà lãnh đạo của chính phủ chuyển tiếp, với cam kết thiết lập nền dân chủ sau khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Đến nay, Sudan vẫn chưa tổ chức bầu cử.
Liên quan đến tình hình an ninh, chính quyền Port Sudan, thủ phủ bang Biển Đỏ của Sudan, cho hay tình hình an ninh tại thành phố này đã được khôi phục trở lại sau khi binh sĩ và cảnh sát tiếp viện được triển khai nhằm dập tắt những vụ bạo lực sắc tộc diễn ra trong những ngày gần đây khiến nhiều người thương vong.
Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Sudan cho biết chính phủ trung ương đã gửi quân đến để cải thiện an ninh và ổn định trật tự. Các sự cố trong những ngày gần đây tại Port Sudan đã khiến 32 người thiệt mạng và 98 người bị thương, bao gồm cả các thành viên của lực lượng chính phủ. Bạo lực bùng phát vào tối 9/8 (theo giờ địa phương), khi cư dân thuộc sắc tộc Nuba - những người tham gia biểu tình chống lại thống đốc mới, đã tiến vào khu vực Dar al Naim - thành trì của sắc tộc Beni Amer. Giữa 2 sắc tộc này vốn tồn tại sự thù địch lâu đời. Các nhà chức trách bang Biển Đỏ đã buộc phải ban bố lệnh giới nghiêm trong thành phố.
Thành phố Port Sudan là điểm trung chuyển cho hầu hết các hoạt động ngoại thương của Sudan. Sắc tộc Nuba có nguồn gốc từ vùng núi của bang Nam Kordofan - khu vực trải qua nhiều thập kỷ giao tranh. Sắc tộc Beni Amer là một trong những tộc người bản địa ở miền Đông Sudan.