Theo tờ Vox, dù một số loại nước rửa tay khô mới có hóa chất độc hại và mùi kỳ lạ, nhưng không vì thế mà nhu cầu với mặt hàng này giảm bớt giữa đại dịch COVID-19.
Vài tuần trước khi COVID-19 khiến Mỹ phải phong tỏa, Robin Christenson và nhiều người khác nhận thấy cơ hội kinh doanh khi nước rửa tay khô khan hiếm.
Hồi tháng ba, người Mỹ hoảng loạn, lao tới các cửa hàng để tích trữ mọi thứ, trong đó có nước rửa tay khô – mặt hàng có nhu cầu cao nhất với doanh thu tăng vọt 1.400% tính tới đầu tháng 1. Mặc dù Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) nói rằng rửa tay bằng xà phòng và nước là cách tốt nhất để phòng virus lây lan, nhưng nước rửa tay khô vẫn là hàng nóng, thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Do nhu cầu ngày càng cao, FDA đã bỏ bớt một số quy định sản xuất, dọn đường cho các nhà sản xuất phi truyền thống tự làm nước rửa tay khô, như các nhà sản xuất rượu hay nhà sản xuất nước hoa. Với một số chủ doanh nghiệp, đây là cơ hội kiếm tiền mới nhanh chóng.
Mặc dù nhu cầu nước rửa tay khô không còn đạt đỉnh như tháng ba nhưng những vấn đề xung quanh sản phẩm này một lần nữa lại nóng, đặc biệt là xoay quanh thành phần độc hại, mùi lạ, sản phẩm giả, thu hồi sản phẩm…
Các nhà sản xuất mới tham gia thị trường cam kết tuân thủ quy tắc, nhưng thực tế lại không. Các quy định này gồm có thành phần nước rửa tay khô. Một số nhà sản xuất thêm methanol vào công thức sản phẩm trong khi chất này độc hại, có thể gây nôn mửa, chấn thương thần kinh, mù lòa khi hấp thụ qua da và gây tử vong nếu nuốt phải.
Tại Arizona, 4 người tử vong và 26 người nhập viện sau khi uống nước rửa tay khô chứa methanol thay rượu. FDA đã có danh sách 87 loại nước rửa tay khô độc hại.
Ngoài ra, mùi lạ trong nước rửa tay khô do không lọc carbon, dính quá mức, quảng cáo sai thực tế cũng là các vấn đề. FDA đã cáo buộc một công ty nước rửa tay khô ở Iowa vì đã hứa hẹn sản phẩm có thể giảm nhẹ, ngăn chặn, điều trị, chẩn đoán COVID-19.
FDA cũng gửi thư cảnh báo nhà sản xuất nước rửa tay khô Purell và yêu cầu công ty này ngừng tiếp thị sản phẩm hiệu quả trong ngăn ngừa Ebola, cúm...
Đa số cho rằng nếu FDA không quản lý chặt sản xuất nước rửa tay khô, người tiêu dùng Mỹ có thể gặp nhiều vấn đề hơn. Nhiều nước rửa tay khô độc hại trong danh sách của FDA được sản xuất ở ngoài Mỹ, phần lớn là Mexico, nhưng gần đây, nước rửa tay khô trong nước cũng bị dán nhãn độc hại, ví dụ như sản phẩm của một công ty rượu ở Tennessee.
Robin Christenson cho biết trong quá trình tìm hiểu cách sản xuất nước rửa tay khô đúng chuẩn, cô nhận thấy nhiều công ty không đăng ký hoặc xin giấy phép từ FDA.
Khi ngành sản xuất nước rửa tay khô mở rộng trong đại dịch COVID-19, người tiêu dùng bị đặt trước nhiều mối nguy hiểm. Đã có nhiều sản phẩm bị thu hồi sau khi xuất hiện trên thị trường.
Nhiều sản phẩm chứa methanol dù bị cấm. Vậy tại sao lại có quá nhiều sản phẩm nhiễm methanol ngay từ đầu? Nhiều khả năng là do quy trình sản xuất cẩu thả. Nhiều nhà sản xuất loại bỏ methanol không đúng cách khi chất này được sinh ra một cách tự nhiên trong quy trình chưng cất cồn. Hoặc họ có thể vi phạm hướng dẫn của FDA khi ngay từ đầu đã dùng dung môi nồng độ methanol cao đã chưng cất để làm thành phần chính.
Trong khi các chuyên gia có thể phân biệt methanol và ethanol thì đa số người tiêu dùng không thể phát hiện. Methanol cũng sẽ không có tên trong danh sách thành phần trên chai. Do đó, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng cần kiểm tra danh sách của FDA để đảm bảo sản phẩm mình mua không nằm trong đó và tránh mua sản phẩm có nhãn hiệu không tên tuổi.
Methanol có thể gây chết người chỉ với lượng tương đối thấp: Chỉ cần 2 thìa (30ml) methanol là có thể khiến trẻ em thiệt mạng và 60-240ml có thể khiến người lớn tử vong. Nếu chỉ bôi ngoài da, methanol có thể ngấm vào trong và gây bệnh nặng và chấn thương thần kinh.
FDA lưu ý rằng các sản phẩm rửa tay khô có nhãn ghi là chứa ethanol nhưng lại chứa methanol khi xét nghiệm. Không may là người tiêu dùng không có cách nào để kiểm tra xem chai nước rửa tay khô mình mua có nhiễm methanol không.
Ông Mike Blaum, đồng sở hữu kiêm phụ trách chưng cất tại công ty sản xuất rượu Blaum Bros ở bang Illinois, nói người tiêu dùng không thể phân biệt ethanol và methanol qua mùi như chuyên gia, nên tốt nhất là theo cảnh báo của FDA và gọi trung tâm chống độc nếu có câu hỏi về sản phẩm.
Ông Blaum cũng lưu ý rằng hàng rẻ không phải lúc nào cũng tốt và khuyên người tiêu dùng cần lưu ý khi mua sản phẩm do các công ty nhỏ sản xuất khi vừa nhảy vào thị trường.
FDA cũng khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng với sản phẩm được quảng cáo kiểu như có thể bảo vệ lâu dài trước COVID-19. Ngoài ra, FDA không chứng thực nước rửa tay khô nên nếu có sản phẩm dán nhãn được FDA chứng thực thì người tiêu dùng cần đề phòng.
Người tiêu dùng cũng cần lưu ý trước khi mua các chai nước rửa tay khô trông như chai đồ uống, lọ kẹo hay chai rượu vì có thể khiến trẻ em lầm tưởng và nuốt nhầm.