Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ nếu Bắc Kinh đáp trả, tình hình sẽ chỉ tồi tệ thêm. Ông cho rằng không có lý gì người tiêu dùng Mỹ phải trả các khoản tăng thuế, và việc tăng thuế có thể tránh được nếu các nhà sản xuất chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác.
Theo Tổng thống Trump, Bắc Kinh sẽ bị tổn hại nghiêm trọng nếu không đưa ra được thỏa thuận do các công ty buộc phải rời khỏi Trung Quốc sang các nước khác. Theo ông chủ Nhà Trắng, Bắc Kinh đã có một thỏa thuận tuyệt vời, gần hoàn tất thì lại từ bỏ.
Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố thể hiện lập trường kiên định của nước này không nhượng bộ trước sức ép từ bên ngoài. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ Bắc Kinh tự tin và có đủ khả năng để bảo vệ các quyền hợp pháp và chính đáng của mình. Tuy nhiên, ông không nêu rõ các biện pháp của Bắc Kinh đáp trả quyết định của Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD mới đây, cũng như lời đe dọa tiếp tục tăng thuế mới nhất của Washington.
Ngày 10/5 vừa qua, thời điểm đại diện Mỹ-Trung Quốc đang tiến hành đàm phán, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo chính thức áp đặt mức thuế mới, từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xúc tiến việc áp mức thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thương mại. Ông chủ Nhà Trắng bác bỏ việc người tiêu dùng Mỹ bị ảnh hưởng do quyết định tăng thuế nói trên.
Việc Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại được hai bên dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán đã khiến Mỹ cáo buộc Trung Quốc "quay lưng" với những cam kết. Trong suốt quá trình tranh chấp thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Mỹ đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa có tổng giá trị 250 tỷ USD nhập khẩu Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD.
Đánh giá về quyết định nâng mức thuế của Mỹ, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia của Nhà Trắng Larry Kudlow cho rằng cả hai bên đều chịu ảnh hưởng trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng. Trong khi đó, hầu hết các nhà phân tích đều nhận định rằng Bắc Kinh sẽ thiệt hại nhiều hơn Washington nếu xung đột thương mại hai bên kéo dài.
Theo chuyên gia phân tích Nick Marro thuộc tạp chí Economist, cơ hội để hai bên đạt được thỏa thuận đã giảm đáng kể, và nguy cơ các cuộc đàm phán đổ vỡ đang tăng lên. Ông cho rằng việc tăng thuế của Mỹ đã hủy hoại những "thiện chí" và "thời cơ tích cực" tích lũy được trong các cuộc gặp trước đây giữa hai cường quốc. Nhiều nhà phân tích cũng nói rằng kịch bản tốt nhất đối với cả hai bên là tiếp tục đàm phán, song việc nâng thuế lần này của Mỹ nhiều khả năng sẽ khiến hai cường quốc kinh tế này có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận.
Ông Stefan Legge, giảng viên và nhà nghiên cứu kinh tế tại Đại học St. Gallen ở Thụy Sỹ, dự báo xung đột thương mại sẽ kéo dài chừng nào cả hai nền kinh tế còn có thể chịu được.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia này đều chia sẻ quan điểm chung rằng Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn Mỹ nếu căng thẳng thương mại này kéo dài. Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể giảm khoảng 1,6% trong năm nay nếu các mức thuế trừng phạt của Mỹ tiếp tục đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang có mức tăng trưởng kinh tế mạnh, thị trường lao động vững mạnh và Phố Wall ít lo sợ hơn. Những yếu tố này đã giúp cho chính quyền Tổng thống Donald Trump có lập trường mạnh bạo hơn với Trung Quốc.