Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, phát biểu với báo giới, ông Cooper nêu rõ nhiệm vụ hàng hải liên quan cầu tàu nói trên đã kết thúc nên không cần sử dụng cầu tàu này nữa. Ông đánh giá cầu tàu đã đạt được hiệu quả như mong muốn là tăng lượng hàng viện trợ vào Gaza và đảm bảo hàng viện trợ đến được với người dân tại đây một cách nhanh chóng. Thời gian hoạt động của cầu tàu khoảng 20 ngày và chuyển được khoảng 9.000 tấn hàng viện trợ nhân đạo đến Gaza.
Cầu tàu nói trên được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố vào tháng 3 năm nay và hoạt động vận chuyển hàng viện trợ đến Gaza qua cầu tàu nổi này được thực hiện vào tháng 5. Tuy nhiên, thời tiết xấu và những thách thức về việc phân phối bên trong Gaza đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động của cầu tàu mà Mỹ cho là nỗ lực cung cấp viện trợ lớn nhất từ trước đến nay của nước này ở Trung Đông. Bên cạnh đó, hoạt động phân phối hàng viện trợ vận chuyển qua cầu tàu này cũng vấp phải trở ngại về an ninh. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) đã phải tạm dừng hoạt động vận chuyển hàng viện trợ qua cầu tàu tạm này trong tháng trước để đánh giá tình hình an ninh.
Ngày 15/7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Galant tuyên bố nước này sẽ sớm thay thế cầu tàu tạm của Mỹ bằng cơ sở chuyên dụng đặt tại cảng Ashdod ở miền Nam Israel. Theo ông, dự án cầu tàu “Pier 28” sẽ góp phần cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza. Tuy nhiên, Bộ trưởng Galant không nói rõ khi nào cầu tàu này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động.
LHQ lâu nay cho rằng việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển không thể thay thế cho đường bộ. Theo LHQ, các tuyến đường bộ phải tiếp tục là trọng tâm của các hoạt động viện trợ tại Gaza, trong bối cảnh một tổ chức giám sát nạn đói toàn cầu hồi tháng trước cảnh báo nguy cơ cao xảy ra nạn đói tại vùng lãnh thổ này. Hiện Gaza cần khoảng 600 xe tải chở hàng viện trợ mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ngày 17/7 cho biết quân đội Israel đã ngăn cản hoạt động viện trợ nhân đạo ở khu vực Wadi Gaza phía Nam Gaza và ngăn hàng trăm nghìn người dân tại đây nhận hàng cứu trợ. Theo OCHA, động thái của Israel khiến các nhân viên nhân đạo không thể nhận hàng viện trợ từ cửa khẩu Erez West ở phía Bắc. Cùng với đó, WFP cũng thông báo phải giảm hơn nữa khẩu phần viện trợ ở thành phố Gaza để đảm bảo phạm vi cung cấp lương thực cho những người di tản mới đến.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy chỉ 15 trong số 36 bệnh viện ở Gaza hoạt động một phần và chỉ có 1.500 trong tổng số 3.500 giường bệnh có thể sử dụng được, trong đó có 600 giường bệnh thuộc các bệnh viện dã chiến.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, Trợ lý Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) phụ trách các vấn đề chính trị, bà Lana Nusseibeh ngày 17/7 đã kêu gọi triển khai sứ mệnh quốc tế “tạm thời”.
Trong bài bình luận trên tờ Financial Times, bà Nusseibeh khẳng định ủng hộ nền hòa bình bền vững và công bằng, theo đó kêu gọi triển khai chiến lược chung nhằm phá vỡ chu kỳ xung đột ở Gaza và xây dựng nền tảng cho một tương lai mới của cả Israel và Palestine.
Quan chức ngoại giao UAE cho rằng bước đầu tiên sẽ là triển khai sứ mệnh quốc tế tạm thời để ứng phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo, thiết lập luật pháp và trật tự, đặt nền móng cho chính quyền và mở đường thống nhất Dải Gaza cũng như Bờ Tây bị chiếm đóng dưới sự điều hành của một Chính quyền Palestine hợp pháp duy nhất. Theo bà Nusseibeh, sứ mệnh với 4 ưu tiên này có thể là một phần trung tâm của chiến lược rộng lớn hơn nhằm giúp người Palestine đạt được nguyện vọng về một nhà nước thông qua đàm phán. Tuy nhiên, bà Nusseibeh nêu rõ sứ mệnh như vậy sẽ cần sự ủng hộ đầy đủ và kiên định của tất cả các bên liên quan.