Theo kênh CNBC, cuối tuần qua, các ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cảnh báo rằng cuộc chiến ở Ukraine đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu. Điều này là do Ukraine đã không thể xuất khẩu ngũ cốc, phân bón và dầu thực vật, trong khi xung đột cũng đang phá hủy các cánh đồng trồng trọt và cản trở mùa gieo trồng bình thường.
Tình hình trên đã khiến thế giới phải tăng cường mua các sản phẩm này từ các quốc gia khác. Nhưng do lo ngại về nguồn cung cho chính người dân của mình, một số nước trong số này đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu. Ví dụ như Ấn Độ - nước đã công bố lệnh cấm bán lúa mì ngày 14/5 để quản lý an ninh lương thực.
Ông Valdis Dombrovskis, quan chức phụ trách thương mại của EU, nói: “Đó là điều rất đáng quan tâm. Chúng tôi đã nhất trí với Mỹ về hợp tác và phối hợp các phương pháp tiếp cận trong lĩnh vực này, bởi vì trước hành động của Nga ở Ukraine và tình hình giá lương thực cũng như lo ngại về an ninh lương thực ngày càng gia tăng, các nước đang bắt đầu thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Chúng tôi nghĩ rằng đây là xu hướng chỉ có thể làm trầm trọng thêm vấn đề”.
Ông nói thêm rằng những biện pháp này, chẳng hạn như lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia, làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Hạn chế xuất khẩu có khả năng làm tăng giá hàng hóa và do đó chi phí lương thực cũng tăng theo. Đối với EU, đây là vấn đề về khả năng chi trả cho lương thực.
Hội đồng Công nghệ và Thương mại (TTC) chung của Mỹ và EU đang đàm phán tại Pháp. Nhóm đã được tập hợp lại vào năm 2021 để khôi phục mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau những bất đồng và thuế quan thương mại thời ông Donald Trump.
Tuy nhiên, công việc của TTC không chỉ liên quan đến trọng tâm ban đầu, ví dụ như bàn về tình trạng thiếu chất bán dẫn, mà còn bàn giải pháp cho các vấn đề địa chính trị hiện tại.
Trong cuộc họp mới đây, TTC bàn về cách đối phó với những cú sốc nguồn cung sau cuộc chiến giữa Ukraine và Nga.
Cuộc họp của TTC diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang gây ra những tác động lớn tới an ninh lương thực toàn cầu do có hàng triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt ở Ukraine. Ngoại trưởng Đức cảnh báo về một cuộc khủng hoảng lương thực trước tiên ở châu Phi và Trung Đông do hậu quả của xung đột vì hiện có tới 25 triệu tấn ngũ cốc mà thế giới rất cần đang bị phong toả tại các cảng ở Ukraine.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng lương thực này sẽ càng nghiêm trọng hơn nữa dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ukraine hiện là một trong số các nhà cung cấp ngũ cốc quan trọng nhất trên toàn thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), năm 2021, Ukraine vẫn là nước xuất khẩu lúa mạch lớn thứ ba và xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới.
Trước đó, Chính phủ Ấn Độ đã bất ngờ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ với hiệu lực tức thì nhằm ngăn chặn đà leo thang của giá bán mặt hàng này trong nước, khi lượng hàng trong các kho dự trữ đang giảm dần.
Trong một thông báo ngày 13/5, Ấn Độ cho biết họ thực hiện lệnh cấm trên để quản lý an ninh lương thực tổng thể của đất nước và hỗ trợ các nước láng giềng cũng như những nước dễ bị tổn thương. Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu lúa mỳ tới các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên đề nghị của chính phủ nước đó vẫn được phép diễn ra.
Giá lúa mỳ ở Ấn Độ đã tăng mạnh khi nước này tăng cường xuất khẩu loại ngũ cốc này trong bối cảnh giá bán trên thế giới tăng gần 40% sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Sản lượng lúa mỳ của Ấn Độ năm nay được các thương nhân chốt ở mức 95 triệu tấn, so với ước tính của chính phủ là 105 tấn, có khả năng dẫn đến việc siết chặt nguồn cung trong nước và khiến giá bán tăng cao.