Theo Sở phòng cháy bang California (Calfire), đám cháy có tên gọi Ferguson đang hoành hành tại rừng Sierra Nevada kể ngày 13/7 và tính đến ngày 17/7, lực lượng cứu hỏa mới chỉ kiểm soát được 5% diện tích đám cháy.
Calfire cho biết 1 lính cứu hỏa đã bị thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ. Khoảng 1.500 lính cứu hỏa được huy động tới các vùng bị cháy, song hoạt động dập lửa gặp khó khăn do lính cứu hỏa khó có thể tiếp cận được điểm cháy do địa hình phức tạp nơi đây.
Đám cháy đã buộc giới chức địa phương yêu cầu người dân ở một số khu vực phải đi sơ tán trong khi người dân ở một số khu vực lân cận được yêu cầu sẵn sàng sơ tán bởi nhiệt độ trong khu vực sẽ tăng cao trong vài ngày tới do ảnh hưởng của cháy rừng.
Ngoài ra, một đường cao tốc và một lối vào Công viên quốc gia Yosemite vốn nổi tiếng có những cây tùng cổ thụ khổng lồ, cũng đều bị đóng cửa. Giới chức cũng kêu gọi khách du lịch hoãn đến thăm công viên này.
Cùng với California, cháy rừng cũng bùng phát ở các bang khác của nước Mỹ như Alaska (A-la-xca), Colorado và Idaho.
Năm 2017 là năm xảy ra cháy rừng gây thương vong lớn nhất tại California. Đám cháy có tên gọi Thomas, bùng phát ở khu vực Santa Barbara hồi tháng 12/2017, đã khiến 2 người thiệt mạng và phá hủy hơn 1.000 tòa nhà, trong đó có nhiều tòa nhà trị giá hàng triệu USD, đồng thời thiêu rụi hơn 105.000 hécta rừng.
Đây được coi là vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn thứ 3 kể từ năm 1932. Trước đó, các đám cháy ở khu vực phía Bắc thành phố San Francisco tháng 10 năm ngoái đã cướp đi sinh mạng của hơn 40 người, phá hủy hơn 99.000 ha rừng và 7.000 tòa nhà.
Lịch sử cháy rừng tại California cũng từng ghi nhận hai thảm họa cháy rừng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng là vụ cháy rừng ở công viên Griffith năm 1933 khiến ít nhất 29 người thiệt mạng và thảm họa cháy rừng ở khu vực Đồi Oakland năm 1991 khiến 25 người thiệt mạng.