Theo tờ Washington Post, quyết định trên được đưa ra khi Tổng thống Biden cùng với Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison, sáng 16/9 công bố một liên minh quốc phòng ba bên mới, được gọi là AUKUS. Dự án chung đầu tiên của AUKUS là phối hợp chế tạo tàu ngầm hạt nhân tại thành phố Adelaide của Australia.
Trước thỏa thuận với Australia, Anh là quốc gia duy nhất được Mỹ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân theo một thỏa thuận có từ năm 1958.
"Công nghệ này cực kỳ nhạy cảm. Thực sự đây là một ngoại lệ trong chính sách của chúng tôi xét trên nhiều khía cạnh", một quan chức cao cấp Mỹ ẩn danh nói với CNN.
Trong một tuyên bố từ Nhà Trắng vào sáng 16/9 (theo giờ VN), Tổng thống Joe Biden khẳng định: "Tất cả chúng ta đều nhận thấy sự cấp thiết của việc đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương". Ông cho rằng việc Mỹ và Anh cùng phối hợp để giúp Australia chế tạo tàu ngầm hạt nhân nhanh nhất có thể sẽ tập trung vào khả năng tương tác, sự tương đồng và lợi ích chung giữa ba nước. “Ba nước chúng ta sẽ nâng cao năng lực và chia sẻ kinh nghiệm để cùng đối mặt với những thách thức trong thế kỷ 21 như cách chúng ta đã làm trong thế kỷ 20”.
Trong khi đó, Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định, thỏa thuận này giúp Australia đối mặt với những thách thức an ninh đang nổi lên trong khu vực: “Để đối mặt với những thách thức này, để đảm bảo an ninh và sự ổn định cho khu vực, chúng ta cần đưa quan hệ đối tác lên một cấp độ mới, trong đó dự án hợp tác đầu tiên của AUKUS là sản xuất tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân đầu tiên cho Australia".
Theo ông Biden, ba nước đối tác sẽ phối hợp trong 18 tháng tới để xác định chi tiết về nỗ lực chế tạo tàu ngầm và sẽ đặc biệt chú ý đến các biện pháp bảo vệ và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động nhanh hơn, năng lực mạnh hơn, khó bị phát hiện và cũng có khả năng tấn công hủy diệt cao hơn nhiều so với các tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường.
Hải quân Trung Quốc được cho là sở hữu 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân và nhiều tàu ngầm thông thường khác, và có kế hoạch mở rộng hạm đội chạy bằng năng lượng hạt nhân trong thập kỷ tới.
Mỹ đang triển khai các tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân của mình ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ba tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất của Hải quân Mỹ đều đã được triển khai tới khu vực Thái Bình Dương trong mùa hè vừa qua.
Bình luận về quan hệ đối tác ba bên mới Mỹ, Anh, Australia, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết: “Tôi muốn nhấn mạnh rất rõ ràng rằng mối quan hệ đối tác này không nhắm tới hoặc vì bất kỳ quốc gia nào. Mà đó là về các lợi ích chiến lược của chúng tôi, duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương."
Về phần mình, Tổng thống Biden đã từ chối trả lời các câu hỏi về Trung Quốc sau khi ông kết thúc thông báo.
Công bố của các nhà lãnh đạo đã gây bất ngờ ở chính Australia, nơi các báo cáo gần đây cho thấy Pháp, chứ không phải Mỹ, sẽ làm sâu sắc hơn các mối quan hệ quân sự khi tiến hành kế hoạch đóng tàu ngầm diesel trị giá 66 tỷ USD cho Canberra. Tuy nhiên, vào cuối ngày 15/9 tại Australia có tin cho biết Thủ tướng Morrison đã triệu tập cuộc họp nội các tối mật.
Thỏa thuận nói trên cũng có thể dẫn đến tổn hại mối quan hệ giữa Australia với Pháp.
Trong một tuyên bố chung, Ngoại trưởng Pháp và Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Pháp cho biết quyết định này là “đáng tiếc” và “đi ngược lại với văn bản và tinh thần hợp tác vốn có giữa Pháp và Australia”.
“Việc Mỹ lựa chọn loại trừ một đồng minh và đối tác châu Âu như Pháp khỏi mối quan hệ đối tác mang tính cấu trúc với Australia, vào thời điểm chúng tôi đang đối mặt với những thách thức chưa từng có ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, dù xét về các giá trị của chúng tôi hay về sự tôn trọng chủ nghĩa đa phương dựa trên nền tảng pháp quyền, cho thấy sự thiếu chặt chẽ mà Pháp chỉ có thể ghi nhận và lấy làm tiếc ”, các quan chức Pháp nói.
Giải đáp lo ngại về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, Thủ tướng Australia, Morrison cho biết, động cơ đẩy hạt nhân (của tàu ngầm) khác với vũ khí hạt nhân, đồng thời khẳng định Canberra vẫn cam kết duy trì một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân.
Ông Morrison tuyên bố: “Hãy để tôi nói rõ. Australia không tìm cách mua vũ khí hạt nhân hoặc thiết lập năng lực hạt nhân dân sự, và chúng tôi sẽ tiếp tục đáp ứng tất cả các nghĩa vụ không phổ biến hạt nhân của mình”.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn lo lắng về nỗ lực hợp tác mới giữa Mỹ, Anh và Australia sẽ tác động như thế nào đến bối cảnh quyền lực hạt nhân toàn cầu.
James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace cho biết: “Tôi nghĩ nếu Australia đi theo con đường này, chế tạo tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân và đưa vật liệu hạt nhân khỏi tầm bảo vệ, đó sẽ là một tiền lệ rất nguy hại”.
Acton cho biết ông đặc biệt lo ngại về cách Iran sẽ phản ứng với thông báo này và liệu nước này có cố gắng lách các biện pháp bảo vệ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khi nói rằng họ đang sử dụng vật liệu hạt nhân để chế tạo tàu ngầm.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden cho biết Mỹ đã thông báo cho IAEA về chương trình hợp tác mới và sẽ chú ý đến bất kỳ tác động nào tới vấn đề không phổ biến hạt nhân.
Thỏa thuận nói trên cũng đánh đấu sự mở rộng hợp tác quân sự giữa Mỹ với Australia. Nước này từ lâu đã là một đồng minh quân sự thân thiết, nhưng giờ đây họ đã đứng ở vị thế ngang hàng hơn với Anh, đồng minh quân sự quan trọng nhất của Mỹ.