Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, với kết quả bỏ phiếu ủng hộ tuyệt đối 5-0, cơ quan quản lý viễn thông của Mỹ đã đưa ra tuyên bố trên, đồng thời yêu cầu các nhà mạng ở khu vực nông thôn loại bỏ và thay thế các thiết bị của hai công ty công nghệ Trung Quốc này ra khỏi mạng hiện nay của Mỹ.
Chủ tịch FCC Ajit Pai khẳng định Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc khai thác các lỗ hổng mạng và làm tổn hại các cơ sở hạ tầng truyền thông quan trọng của quốc gia này. Bên cạnh đó, ủy viên hội đồng cấp cao của FCC Geoffrey Starks cho rằng hiện vẫn còn các thiết bị không đáng tin cậy trong các mạng của Mỹ và cho rằng Quốc hội phải phân bổ ngân sách cho việc thay thế.
Hiện các tập đoàn Huawei và ZTE vẫn chưa đưa ra phản ứng trước quyết định trên mặc dù trước đó đã chỉ trích mạnh mẽ các hành động của FCC.
Trong thời gian gần đây, FCC đã thực hiện đường lối cứng rắn đối với các công ty của Trung Quốc. Trước đó, FCC ra lệnh xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh của ba công ty viễn thông trực thuộc kiểm soát của nhà nước Trung Quốc tại Mỹ, bao gồm cả Pacific Networks, với lý do lo ngại rủi ro an ninh quốc gia.
Theo đó, FCC đã yêu cầu các công ty China Telecom America, China Unicom Americas và Pacific Networks phải tự giải trình lý do (nếu có) để không thu hồi giấy phép hoạt động của họ ở Mỹ. FCC cũng đã bỏ phiếu ngăn chặn China Mobile Ltd, công ty viễn thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, cung cấp dịch vụ cho Mỹ.
Hồi tháng 5/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông của các công ty mà Wasinhton cho rằng gây nguy cơ đối với an ninh quốc gia. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đã đưa công ty Huawei vào "danh sách đen" thương mại hồi năm ngoái.