Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/12 đã chính thức tuyên bố kết thúc cuộc chiến kéo dài gần 9 năm của Mỹ tại Irắc.
Quang cảnh lễ hạ cờ chấm dứt sứ mệnh của Mỹ tại Irắc. |
Trong bài phát biểu từ căn cứ quân sự Fort Bragg ở bang North Carolina, ông Obama khẳng định công việc cuối cùng để quân đội Mỹ rời khỏi Irắc đã hoàn tất và những binh sĩ Mỹ cuối cùng sẽ rời nước này trong vài ngày tới. Tổng thống Obama cũng lưu ý tới “cái giá to lớn” của cuộc chiến, với khoảng 4.500 lính Mỹ thiệt mạng, trong đó có 202 binh sĩ ra đi từ căn cứ Fort Bragg. Ông Obama nhấn mạnh, Mỹ phải rút ra những bài học từ cuộc xung đột đã gây bất đồng sâu sắc trên chính trường Mỹ và thế giới. Ông Obama nêu rõ: “Kết thúc một cuộc chiến sẽ khó hơn nhiều khi bắt đầu”.
Trong khi đó, tại Bátđa, phát biểu trong một buổi lễ hạ cờ tượng trưng chấm dứt sứ mệnh của Mỹ tại Irắc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói: “Giấc mơ về một đất nước Irắc độc lập và có chủ quyền giờ đã thành hiện thực”. Ông Panetta cho rằng Irắc sẽ được thử thách trong những ngày sắp tới và khẳng định nước Mỹ sẽ “luôn sát cánh với Irắc đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các mối đe dọa từ bên ngoài”.
Cùng ngày, hàng nghìn người dân Irắc đã đổ xuống đường ở thành phố Falluja giơ cao những khẩu hiệu ăn mừng việc quân đội Mỹ rút quân khỏi nơi này. Falluja là thành phố chính của tỉnh miền tây Anbar, có dân số khoảng nửa triệu người và chỉ cách thủ đô Bátđa 60 km về phía tây. Đây là nơi đầu tiên xuất hiện những hành vi chống đối lực lượng Mỹ và đã phải hứng chịu hai đợt tấn công lớn của lực lượng Mỹ trong năm 2004 sau sự kiện bốn nhân viên Mỹ của một hãng an ninh tư nhân bị giết hại ở thành phố này.
Tính đến ngày 14/12, vẫn còn 5.500 lính Mỹ đồn trú tại Irắc, giảm rất nhiều so với 170.000 quân vào những lúc cao điểm của cuộc chiến. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, sau khi rút quân, Mỹ sẽ bỏ lại đằng sau một nước Irắc vẫn còn yếu kém, khó có khả năng chống đỡ với các mối đe dọa từ bên ngoài như Iran ở phía đông, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc và Xyri ở phía tây, trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang xuất hiện nhiều căng thẳng. Tham mưu trưởng quân đội Irắc, Trung tướng Babaker Zebari, cho biết ít nhất đến năm 2020 Irắc mới có thể tự bảo vệ không phận. Nếu không có lực lượng không quân được trang bị và huấn luyện tốt, bộ binh Irắc không thể ngăn chặn các vụ đột nhập qua biên giới của quân đội nước ngoài.
Hậu quả của cuộc chiến tranh do Mỹ phát động ở Irắc đã, đang và sẽ còn tiếp tục là đề tài để nghiên cứu và tranh luận cả ở Mỹ và trên thế giới. Tổng thống Obama quả quyết rằng nước Mỹ đã làm tất cả những gì có thể cho Irắc, đã “thành công” và để lại phía sau một nước Irắc “tuy chưa phải là một nơi tuyệt vời”, nhưng “có chủ quyền, ổn định và tự lực, với một chính phủ đại diện, do dân bầu ra”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về Trung Đông nhận định phải mất nhiều năm nữa mới có thể rút ra được bài học lịch sử rõ ràng từ cuộc chiến Irắc. Có điều chắc chắn là lại một lần nữa nước Mỹ phải rút khỏi một cuộc chiến mà họ không giành được chiến thắng.
H.H (Tổng hợp)