Tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở Biarritz (Pháp), khi được phóng viên hỏi liệu Mỹ có cân nhắc khả năng đánh thuế lên ô tô Nhật Bản nếu nhận thấy hoạt động nhập khẩu này đe dọa an ninh quốc gia hay không, Tổng thống Trump trả lời rằng “Không, không phải thời điểm bây giờ. Đó là việc tôi có thể làm sau này nếu tôi muốn, song chúng tôi không mong đợi điều này”.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25/8 đã công bố thỏa thuận về các nguyên tác cơ bản của một hiệp định thương mại hạn chế, với việc Tokyo nhượng bộ về nông nghiệp và Washington giữ nguyên các mức thuế đánh vào ô tô hiện nay, cụ thể là 2,5% đối với xe khách và 25% đánh vào xe bán tải, thay vì tăng thuế khi ông Trump đe dọa sẽ làm như vậy. Chi tiết về thỏa thuận chưa được công bố.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết thỏa thuận trên sẽ cắt giảm thuế nông nghiệp và có khả năng giúp tăng thêm 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản hàng năm của Mỹ sang Nhật Bản, từ mức 14 tỷ USD hiện nay, đồng thời hỗ trợ các nhà sản xuất thịt bò, thịt lợn, lúa mì, các sản phẩm từ sữa, rượu vang và ethanol của Mỹ. Ông Lighthizer cho biết thỏa thuận cũng sẽ cung cấp các tiêu chuẩn cao hơn cho thương mại kỹ thuật số và bao gồm hàng hóa công nghiệp.
Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đã xác nhận thỏa thuận "bước đầu" này sẽ giảm thuế đối với một số hàng hóa công nghiệp từ Nhật Bản, nhưng sẽ không giảm thuế đánh vào ô tô hoặc phụ tùng ô tô từ quôc sgia Đông Bắc Á này cũng như không giải quyết các hàng rào phi thuế quan như vấn đề tiền tệ.
Đại diện của các nhà sản xuất ô tô Ford General Motors và Fiat Chrysler ở Detroit cho biết, thông báo trên rất đáng hoan nghênh, song nói rằng bất cứ thỏa thuận nào cũng cần phải giải quyết thâm hụt thương mại trong lĩnh vực ô tô của Mỹ với Nhật Bản, hiện ở mức 56 tỷ USD.
Thủ tướng Abe cùng các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng Nhật Bản, trong đó có Toyota Motor Corp, đang nỗ lực thể hiện cho Tổng thống Trump thấy rõ rằng họ đã tăng cường đầu tư vào Mỹ và “bổ sung” hàng nghìn việc làm cho lao động Mỹ.
Thỏa thuận này, cần được đưa ra trong các cuộc đàm phán chi tiết trong tháng tới, dự kiến cũng sẽ khôi phục một số quyền tiếp cận nông nghiệp của Mỹ vào thị trường Nhật Bản vốn đã bị mất khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2017 ngay sau khi ông lên nắm quyền.