Phát biểu điều trần trước Quốc hội, bà Singh nhấn mạnh vẫn còn 141 thực thể và cá nhân tại Zimbabwe, gồm cựu Tổng thống Robert Mugabe, nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ.
Bà khẳng định quan điểm của Washington trong việc tiếp tục duy trì sức ép đối với nước này trong việc tiến hành các cải chính trị và kinh tế. Trợ lý Ngoại trưởng tuyên bố Mỹ sẽ nối lại quan hệ bình thường với Zimbabwe chừng nào nước này có những thay đổi cơ bản.
Trước đó, Tổng thống Mnangagwa, người vừa tuyên thệ nhậm chức ngày 26/8 vừa qua, đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận nhằm vào đảng Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe- Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) cầm quyền, cùng một số nhân vật quân sự cấp cao và doanh nghiệp nhà nước, vốn được áp đặt từ thời cựu Tổng thống Mugabe.
Hồi năm 2014, Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ phần lớn các lệnh trừng phạt nhằm vào Zimbabwe, song vẫn duy trì các biện pháp hạn chế đối với ông Mugabe và vợ ông là bà Grace Mugabe.
Zimbabwe đã tiến hành cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 7 vừa qua, theo đó đương kim Tổng thống Mnangagwa, ứng cử viên đảng (ZANU-PF) cầm quyền đã tái đắc cử Tổng thống Zimbabwe khi giành được 50,8% số phiếu ủng hộ. Đối thủ lớn nhất Nelson Chamisa thuộc Phong trào vì sự thay đổi dân chủ (MDC) chỉ giành được 44,3% số phiếu ủng hộ.
Đây được coi là sự kiện chính trị đánh dấu mốc lịch sử của Zimbabwe, theo đó bầu cử tổng thống được tiến hành lần đầu tiên kể từ khi ông Mugabe bị bãi nhiệm sau 30 năm cầm quyền tại quốc gia này (1987-2017).