Cam kết mạnh mẽ
Theo hãng tin Reuters (Anh), Tổng thống Joe Biden đã khẳng định mạnh mẽ cam kết ủng hộ Ukraine qua chuyến công du đến quốc gia đang đối đầu với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Tuy nhiên, tại quê nhà, sự ủng hộ của người dân đối với việc gửi vũ khí cho Kiev đang giảm dần, khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 2 mà chưa có dấu hiệu kết thúc.
Theo cuộc khảo sát mới của Reuters/Ipsos, tỷ lệ người Mỹ ủng hộ viện trợ vũ khí cho Ukraine đã giảm từ 73% từ tháng 4/2022 xuống chỉ còn 58%. Khảo sát trên được thực hiện trong giai đoạn 6/2 đến 13/2 năm nay, với 4.000 người Mỹ tham gia.
Tỷ lệ ủng hộ viện trợ cho Ukraine suy giảm đúng vào thời điểm chính trường Mỹ đang rối ren - điều có thể hạn chế khả năng thực hiện cam kết với Ukraine của ông Biden.
Đảng Cộng hòa đang bất đồng với Nhà Trắng về việc nâng trần nợ công. Đảng này đang yêu Chính quyền Tổng thống Biden cắt giảm chi tiêu để hạ thâm hụt, ngay giữa lúc Mỹ đang đổ hàng tỷ USD vào viện trợ cho Ukraine. Một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã kêu gọi hạn chế viện trợ cho Kiev và đây có thể là chủ đề gây tranh cãi trong kỳ bầu cử năm 2024.
Song hiện tại, giới chức đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, những người phản đối gay gắt ông Biden trong hầu hết vấn đề, vẫn ủng hộ viện trợ cho Ukraine, thậm chí kêu gọi Mỹ gửi vũ khí mạnh hơn, nhanh hơn cho Kiev.
Trong chuyến thăm Kiev vừa qua, ông Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết Mỹ đang chuyển hướng cân nhắc việc gửi tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu tới Ukraine.
Tuy nhiên, nội bộ đảng đang rạn nứt về vấn đề Ukraine. Các thành viên đảng Cộng hòa cánh hữu tại Hạ viện đã đưa ra một đề xuất cắt viện trợ vào đầu tháng này, dù chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Chỉ có 11 nhà lập pháp đảng Cộng hòa, trong số 222 ghế của đảng này tại Hạ viện ký vào đề xuất. Con số này không nhiều, nhưng bà Rachel Rizzo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, cảnh báo việc phớt lờ những động thái của các nhà lập pháp này có thể là sai lầm.
“Sức ảnh hưởng của một nhóm nhỏ đối với đảng vẫn chưa rõ, nhưng tôi nghĩ đó là điều khiến tất cả chúng ta phải lo ngại”, bà nói.
Kể từ khi xung đột nổ ra, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt tất cả các gói viện trợ mà chính quyền Tổng thống Biden yêu cầu. Tổng cộng, cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua 113 tỷ USD hỗ trợ và viện quân sự cho Ukraine và các nước đồng minh.
Không thể kéo dài mãi
Khi được yêu cầu bình luận về tỷ lệ ủng hộ viện trợ cho Ukraine suy giảm, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson cho rằng người Mỹ hiểu rõ những gì đang bị đe doạ và điều đó có thể liên quan trực tiếp đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Một quan chức giấu tên cho biết chính quyền Mỹ đã nói với Chính phủ Ukraine rằng nguồn lực của Mỹ không phải là vô hạn.
“Mọi người đều hiểu rằng xung đột này phải kết thúc vào một thời điểm nào đó. Và tất cả chúng tôi đều muốn thấy cuộc xung đột Ukraine kết thúc sớm nhất”, vị quan chức này nói.
Trong khi đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nêu mục tiêu của Ukraine là giành lại tất cả các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát từ năm 2014, khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea. Ông cũng cho biết các cuộc đàm phán hòa bình không thể diễn ra với Tổng thống Nga Vladimir Putin do thiếu lòng tin.
Ông Jeremy Shapiro, cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, cho biết các quan chức cũng nhận ra rằng xung đột có nguy cơ leo thang và làm xao nhãng các vấn đề khác, như sự cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.
Ông Shapiro cũng nhận định khả năng đề xuất đàm phán giữa Kiev và Moskva của Chính quyền Tổng thống Biden cũng bị hạn chế bởi phía Mỹ không muốn tỏ ra yếu thế trước một đối thủ như Nga.
Thuyết phục công chúng
Dù việc viện trợ cho Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ, một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại chi hàng tỷ USD để giúp Ukraine, trong khi người Mỹ đang phải đối phó với tình trạng lạm phát cao và nền kinh tế gặp khó khăn.
Ông Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói với Reuters rằng chính quyền cần tiếp tục thuyết phục công chúng Mỹ ủng hộ Ukraine trước những lo ngại chính đáng của cử tri.
“Tôi đã ở đây đủ lâu để nhận ra rằng các cam kết, đặc biệt là các cam kết tốn kém, không thể kéo dài, đặc biệt nếu bạn thất bại”, ông nói.
Ông Mark Cancian, cựu quan chức Lầu Năm Góc, hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết khả năng Ukraine đối phó với Nga phụ thuộc vào sự hỗ trợ nhất quán từ Mỹ và các đồng minh NATO.
“Chiến thắng sẽ đến từ năng lực quân sự tích lũy từ vũ khí và đạn dược, quá trình huấn luyện của NATO và sự kiên cường của người dân Ukraine”, ông Cancian nói.
Cuộc thăm dò toàn cầu của Ipsos vào cuối năm ngoái cho thấy đa số các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - bao gồm Canada, Anh, Pháp, Hà Lan và Ba Lan – vẫn cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Trong khi đó, chỉ có Hungary và Italy ghi nhận tỷ lệ phản đối nhiều hơn là ủng hộ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của các nước này đã tuân thủ các sáng kiến của châu Âu về việc viện trợ cho Ukraine.