Ngày 29/8, các cơ quan quản lý tài chính Mỹ, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) đã đề nghị góp ý về 2 biện pháp mới nhằm giúp các ngân hàng nước này có thể chống đỡ tốt hơn các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Theo một đề xuất, các ngân hàng cỡ vừa, có tài sản hơn 100 tỷ USD, được phép nắm giữ nhiều khoản nợ dài hạn hơn để tăng cường sự ổn định tài chính, cũng như giúp các thể chế tài chính này dễ dàng giải quyết các rủi ro trong tương lai, hạn chế nguy cơ lây lan khi ngân hàng gặp vấn đề. Theo các cơ quan quản lý ngân hàng, bằng việc yêu cầu mỗi ngân hàng duy trì số nợ dài hạn tối thiểu để bù lỗ, biện pháp này sẽ giúp có thêm sự lựa chọn để giải quyết trong trường hợp các ngân hàng cỡ vừa này phá sản.
Biện pháp còn lại yêu cầu các ngân hàng, có tài sản hơn 250 tỷ USD phát triển các chiến lược nhằm giải quyết nhanh chóng và có trật tự trong trường hợp gặp khó khăn hoặc thất bại tài chính dẫn đến phá sản.
Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến về các quy định trên sẽ kéo dài đến ngày 30/11/2023.
Sự sụp đổ nhanh chóng của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) hồi tháng 3 năm nay sau khi chịu quá nhiều rủi ro lãi suất đã khiến ngành ngân hàng Mỹ “choáng váng” sau nhiều năm nỗ lực duy trì sự ổn định. Đây là vụ phá sản lớn nhất của một ngân hàng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vụ việc cũng đã dẫn đến sự sụp đổ của Ngân hàng Signature (SB) có trụ sở tại New York (Mỹ) và vụ sáp nhập giữa ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse với đối thủ UBS. Trong báo cáo được công bố hồi tháng 4, Fed đã kêu gọi tăng cường việc giám sát hệ thống ngân hàng và siết chặt quy định của cơ quan này dựa trên những bài học đã rút ra sau sự sụp đổ của SVB.