Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, đây là lần đầu tiên chính quyền liên bang xây dựng một chiến lược chung để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, kêu gọi hành động của Quốc hội, tăng cường giám sát bằng các nền tảng công nghệ và cải thiện về giáo dục cho người dân.
Cụ thể, chiến lược mới công bố bao gồm 4 trụ cột: nâng cao nhận thức và hiểu biết về chủ nghĩa bài Do Thái; cải thiện an toàn và an ninh trong các cộng đồng người Do Thái; đảo ngược quá trình bình thường hóa chủ nghĩa bài Do Thái và chống phân biệt bài Do Thái; xây dựng tình đoàn kết giữa các cộng đồng.
Phát biểu khi công bố chiến lược trên trong một sự kiện được tổ chức trực tuyến, Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu rõ: “Chiến lược phát đi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ: Ở Mỹ, cái ác sẽ không chiến thắng. Hận thù sẽ không chiến thắng. Nọc độc của chủ nghĩa bài Do Thái sẽ không thể là câu chuyện của thời đại chúng ta”.
Liz Sherwood-Randall, Cố vấn về an ninh nội địa của Nhà Trắng, cho biết chiến lược kêu gọi các công ty công nghệ thiết lập chính sách không khoan nhượng đối với các ngôn từ kích động thù địch trên nền tảng của mình và đảm bảo các thuật toán không lan truyền ngôn ngữ bài Do Thái. Trong khi đó, theo bà Susan Rice, Cố vấn chính sách đối nội sắp mãn nhiệm của Nhà Trắng, các cơ quan liên bang sẽ kết hợp tài liệu về cách giải quyết chủ nghĩa bài Do Thái trong các chương trình đào tạo đa dạng, công bằng, hòa nhập và khả năng tiếp cận trong tương lai.
Tháng 12/2022, chính quyền Tổng thống Biden đã thành lập một lực lượng đặc trách để điều phối các nỗ lực chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và các hình thức cố chấp tôn giáo khác. Nhiệm vụ đầu tiên của nhóm là tạo ra một chiến lược quốc gia để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Các quan chức đã bày tỏ lo ngại về số vụ việc bài Do Thái đang ở mức cao kỷ lục tại Mỹ, trong đó có hàng loạt cuộc tấn công quy mô lớn vào các giáo đường Do Thái và các cơ sở kinh doanh của người Do Thái, sự lan truyền của thuyết âm mưu bài Do Thái và hành vi phá hoại liên quan đến chữ Thập ngoặc - biểu tượng của chủ nghĩa phát xít.