Theo phóng viên TTXVN tại Washington, "danh sách đen" của USTR hiện có 42 sàn thương mại trực tuyến và 35 sàn thương mại trực tiếp trên thế giới bị khiếu nại bán hàng giả, gây tổn hại nghiêm trọng đến các doanh nghiệp Mỹ.
USTR cho biết, trong năm 2021, số lượng hàng giả và người bán hàng giả đã gia tăng đáng kể trên AliExpress, trang thương mại điện tử thuộc sở hữu của Alibaba. Ngoài AliExpress, Alibaba còn sở hữu Taobao, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã bị USTR đưa vào "danh sách đen" từ năm 2016. Trong khi đó, nền tảng WeChat - thuộc sở hữu của "gã khổng lồ" công nghệ Tencent với hơn 1,2 tỷ người dùng, bị đánh giá không có quy trình kiểm tra chặt chẽ đối với người bán và chỉ áp dụng hình phạt nhẹ đối với người bán hàng giả và hàng nhái.
Người đứng đầu USTR, bà Katherine Tai, nhận định hành vi buôn bán hàng giả và hàng nhái trên toàn cầu đã làm suy giảm hoạt động đổi mới, sáng tạo và gây hại cho người lao động Mỹ. Bên cạnh đó, hàng giả có thể tạo ra những nguy cơ lớn đối với sức khỏe và sự an toàn của người tiêu dùng.
Trong báo cáo mới công bố, USTR cũng ghi nhận nỗ lực của một số quốc gia như Brazil, Ấn Độ và Thái Lan trong việc ngăn chặn hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.