Kênh CNN và tờ Tạp chí Phố Uôn cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định việc Washington ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Quyết định trên đánh dấu một sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách của Mỹ đối với vùng lãnh thổ vốn trong tình trạng tranh chấp nhiều thập kỷ sau khi Israel đánh chiếm từ tay Syria trong cuộc Chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump đã khẳng định rằng sau 52 năm điều quan trọng là Mỹ công nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với vùng lãnh thổ mà ông đánh giá là khu vực "chiến lược quan trọng và là trọng điểm an ninh đối với Israel", cũng như sự ổn định trong khu vực. Dòng trạng thái của ông Trump được đưa lên trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thăm Jerusalem. Khi các phóng viên hỏi Ngoại trưởng Pompeo về vấn đề này, ông đã từ chối trả lời.
Động thái trên của Tổng thống Trump, bước đi mới nhất trong một loạt quyết định ủng hộ đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông Israel, cũng phát đi tín hiệu ủng hộ tới Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử mà nhà lãnh đạo này đã tỏ ra yếu thế bởi các cáo buộc tham nhũng.
Thủ tướng Israel Netanyahu đã hoan nghênh tuyên bố "lịch sử" của Tổng thống Trump. Trên trang Twitter, Thủ tướng Netanyahu viết: "Vào thời điểm mà Iran đang tìm cách sử dụng Syria làm bàn đạp để hủy hoại Israel, Tổng thống Trump đã mạnh dạn công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Xin cảm ơn Tổng thống Trump!".
Cao nguyên Golan là một cao nguyên chiến lược nằm giữa Syria, Israel, Liban và Jordan. Sau cuộc Chiến tranh 6 ngày, Israel đã chiếm đóng phần lớn diện tích cao nguyên này. Năm 1981, Israel sáp nhập vùng chiếm đóng trên Cao nguyên Golan vào lãnh thổ của mình, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận và bị dư luận thế giới chỉ trích. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) gọi đây là "hành động không thể chấp nhận được".
Tranh chấp lãnh thổ tại Cao nguyên Golan là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng khu vực, đặc biệt là giữa Israel và Syria. Damascus đã nhiều lần yêu cầu Tel Aviv hoàn trả vùng lãnh thổ này và LHQ năm 2006 đã ra một nghị quyết kêu gọi Israel chấm dứt chiếm đóng Cao nguyên Golan.
LHQ và Mỹ đã nhiều lần tìm cách làm trung gian cho một thỏa thuận khu vực “đổi đất lấy hòa bình” liên quan tới Cao nguyên Golan, song đều bất thành. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã không ít lần ủng hộ các quan điểm gây tranh cãi của Israel.
Đầu tháng 3 này, Mỹ đã đóng cửa sáp nhập Lãnh sự quán của mình vào Đại sứ quán mới mở ở Jerusalem. Palestine kịch liệt phản đối hành động này vì họ coi Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai.
Scott Lasensky, cựu Cố vấn của Đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời Tổng thống Barack Obama, đánh giá “chính sách của Mỹ đối với Cao nguyên Golan là một trong những lập trường lâu dài và kiên định nhất trong mọi vấn đề của quan hệ giữa Israel và thế giới Arab”. Chuyên gia đàm phán hòa bình hàng đầu người Palestine Saeb Erekat chỉ trích chính sách và quyết định của Mỹ ủng hộ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan là hành động “sẽ vấy máu khu vực”.
Theo hãng tin AP, trong các chuyến thăm tới khu vực, các ngoại trưởng Mỹ thường thu xếp gặp các nhà lãnh đạo Palestine. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho hay hoạt động này không có trong lịch trìch chuyến công du đang diễn ra của Ngoại trưởng Pompeo.