Mỹ cử lực lượng đặc nhiệm tới Uganđa giúp tiêu diệt phiến quân

Ngày 14/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định đưa 100 quân, chủ yếu thuộc lực lượng đặc nhiệm, tới Uganđa để giúp truy tìm Joseph Kony, lãnh đạo của "Đội quân Kháng chiến của Chúa" (LRA) và các chỉ huy phiến quân khác bị buộc tội chống nhân loại tại quốc gia Trung Phi này.

Joseph Kony.


Trong thư gửi Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ôbama khẳng định nhiệm vụ của lực lượng Mỹ tại Uganđa là "cung cấp thông tin, cố vấn và trợ giúp cho các lực lượng đối tác, và họ sẽ không trực tiếp chiến đấu với trừ trường hợp cần thiết để tự vệ".

Giới phân tích cho rằng việc Tổng thống Ôbama giới hạn nhiệm vụ của lực lượng cố vấn quân sự Mỹ một cách rõ ràng là nhằm trấn an dư luận trong nước rằng ông không có kế hoạch để lực lượng Mỹ tham chiến trực tiếp, khi mà quân đội Mỹ đã và đang thực hiện các cuộc chiến tranh ở Irắc, Ápganixtan, cũng như đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Libi.

Theo Tổng thống Ôbama, lý do mà ông gửi cố vấn quân sự đến Uganđa là LRA "tiếp tục gây ra các tội ác ở CH Trung Phi, CHDC Cônggô và Nam Xuđăng, tác động xấu đến tình hình an ninh khu vực", trong khi các nỗ lực quân sự trong khu vực "cho đến nay vẫn chưa thành công trong việc loại bỏ chỉ huy LRA Côni hay các thuộc hạ của y".

LRA tự xưng là một tổ chức tôn giáo, bắt đầu nổi lên ở miền Bắc Uganđa từ những năm 1990 của thế kỷ trước và bị cáo buộc đã giết hại, bắt cóc hàng chục nghìn người. Côni đã bị Tòa án Hình sự quốc tế ở La Hay (Hague, Hà Lan) cáo buộc các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Oasinhtơn (Washington) từng lên án tổ chức LRA là "sự lăng nhục đối với nhân phẩm" vì những hành động bạo lực như cắt bộ phận cơ thể của nạn nhân, bắt nam thiếu niên cầm súng, sử dụng trẻ em gái làm nô lệ tình dục.

Các nhóm phiến quân của LRA hoạt động ở các khu vực biên giới giữa CHDC Cônggô, CH Trung Phi và Xuđăng trong những năm gần đây. Mặc dù được cho là chỉ có vài trăm quân, nhưng sự cơ động và địa hình hiểm trở đã khiến các nỗ lực đối phó với tổ chức này hết sức khó khăn. Các cuộc đàm phán cũng thất bại vào năm 2008 sau khi Côni từ chối ký thỏa thuận chấm dứt các hành động giết người./.


TTVXN/Tin Tức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN