Ngày 14/12, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov cho rằng việc Washington cấp vũ khí cho Kiev làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu.
Theo quan chức trên, Washington đã đẩy thế giới đến bờ vực của cuộc Thế chiến thứ ba, đồng thời khiêu khích Nga bước vào cuộc xung đột trực tiếp với NATO. “Đặc biệt nếu Ukraine lắp đặt hệ thống phòng không Patriot, mọi người đều hiểu rõ mối đe dọa đó”, ông Dzhabarov nhấn mạnh.
Tuyên bố trên của ông Dzhabarov đưa được ra trong bối cảnh truyền thông Mỹ dự báo Washington sắp gửi tên lửa Patriot cho Kiev. Theo hãng CNN, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang hoàn tất kế hoạch gửi tên lửa Patriot, sau khi Kiev đề nghị được viện trợ các hệ thống phòng không tiên tiến này suốt nhiều tháng qua, nhằm chống lại các vụ tấn công liên tiếp vào các mục tiêu quân sự và cơ sở hạ tầng từ phía Ukraine.
CNN dẫn lời ba quan chức Mỹ giấu tên cho biết kế hoạch đang ở giai đoạn cuối và cần sự chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước khi nó có thể được gửi đến bàn Tổng thống Joe Biden. Các quan chức này nói với CNN rằng dự kiến Bộ trưởng sẽ chấp thuận và một thông báo có thể được đưa ra ngay trong tuần này.
Các quan chức được dẫn nguồn cho biết sau khi kế hoạch được chốt, tên lửa Patriot dự kiến sẽ nhanh chóng được chuyển giao trong những ngày tới và binh sĩ Ukraine sẽ được huấn luyện sử dụng tại một căn cứ của Mỹ ở Grafenwoehr, Đức.
Còn theo nguồn tin của hãng AP, Mỹ sẵn sàng phê duyệt kế hoạch gửi hệ thống Patriot cho Ukraine sớm nhất là trong ngày 15/12. Hai quan chức cho biết các hệ thống tên lửa mạnh nhất của Mỹ sẽ được đưa khỏi nhà kho của Lầu Năm Góc và vận chuyển đến một quốc gia khác.
Trong khi đó, cựu Tướng Lục quân Mỹ Mark Hertling cũng đánh giá các binh sĩ Ukraine sẽ không đủ năng lực để sử dụng Patriot ngay sau khi tiếp nhận.
Đáng chú ý, hồi cuối tháng 11, phía Mỹ đã bác bỏ kế hoạch chuyển giao hệ thống Patriot cho quân đội Ukraine.
Tại thời điểm đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khối quân sự này đang thảo luận về khả năng cung cấp các hệ thống Patriot cho Ukraine. Theo ông Stoltenberg, cách duy nhất để đạt được hòa bình ở Ukraine là tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev.
Trước đó, Đức từng từ chối vận chuyển hệ thống Patriot tới Kiev. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nói rằng việc triển khai các hệ thống Patriot ở phía Tây Ukraine sẽ bảo vệ cả người Ba Lan và người Ukraine. Ông cũng nói rằng Ba Lan đã sẵn sàng triển khai các hệ thống phòng không của NATO trên lãnh thổ nước này.
Phản ứng của Nga
Moskva đã nhiều lần cảnh báo các nước phương Tây về sự nguy hiểm của việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Washignton không có ý định ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo ông, Washington sẽ tiếp tục đổ lỗi cho Moskva về những diễn biến ở Ukraine.
"Tôi nhắc lại một lần nữa, điều này sẽ khiến cuộc xung đột kéo dài và đau đớn hơn cho phía Ukraine, nhưng nó sẽ không thay đổi mục tiêu của chúng tôi cũng như kết quả cuối cùng", ông Dmitry Peskov nói.
Nhà lập pháp Vladimir Dzhabarov kết luận rằng dù Washington đang đặt thế giới vào bờ vực của Thế chiến thứ ba, nhưng nếu người Mỹ nghĩ rằng họ có thể đe dọa Nga thì họ đã sai lầm.
Cùng ngày, ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí Thế giới nhận định với RIA Novosti rằng động thái cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Kiev sẽ trở thành một bước gây leo thang của Mỹ. Ông cho rằng quân đội Mỹ nên chuẩn bị kế hoạch hành động để đáp trả động thái của Mỹ.
"Đây sẽ là một bước đi cơ bản hướng tới leo thang từ phía Washington. Mục đích của bước đi này là kéo dài sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Zelensky, cũng như cản trở các cuộc không kích của Nga nhằm vào những mục tiêu chính trong hệ thống năng lượng và quân sự của Ukraine", ông nói.
Patriot là một trong những vũ khí quan trọng của hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp của Quân đội Mỹ. Phạm vi tấn công của tổ hợp Patriot trong khoảng từ 30 - 160 km. Tổ hợp này có một số phiên bản được thiết kế đặc biệt để đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Nếu Patriot được tích hợp với các hệ thống phòng không khác do phương Tây sản xuất mà Kiev đã có sẵn, chẳng hạn như NASAMS và IRIS-T, các trung tâm của hệ thống phòng không Ukraine sẽ được kết nối về mặt thông tin, đồng thời nâng cao khả năng để nhận dạng kịp thời các mục tiêu trên không. Sự xuất hiện của Patriot sẽ làm giảm hiệu quả của các cuộc tấn công bẳng tên lửa của Nga.