Dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đài Spuntik cho rằng quan điểm “mơ hồ” của Mỹ về Syria phản ánh một sự thật rằng cường quốc này đang giảm ảnh hưởng và hiện không đủ khả năng làm chủ các cuộc đàm phán.
“Rất khó để xác định được Mỹ đang có mục đích gì tại Cộng hòa Syria Arab, nhưng đối với tôi, những mâu thuẫn trong hành động gần đây phản ánh một sự thật rằng các đối tác Mỹ không có khả năng đàm phán”, Ngoại trưởng Lavrov phát biểu trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Kazahh – ông Mukhtar Tleuberdi hôm 9/10.
Ngoại trưởng Nga bày tỏ hy vọng Washington sẽ cân nhắc các lập luận của Moskva cho rằng hành động của Mỹ ở Đông Bắc Syria đã “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tấn công quân sự là nguy hiểm. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách đầy mâu thuẫn của Mỹ”, Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh.
Theo người dẫn chương trình lâu năm của kênh CNN – Jake Tapper, lệnh rút quân ra khỏi Syria chỉ là một trong nhiều quyết định thể hiện chính quyền Tổng thống Trump dường như đang tỏ ý nhượng bộ, để phía Ankara có được thứ họ mong muốn.
Trên thực tế, không phải tới lúc Ngoại trưởng Nga lên tiếng dư luận mới đặt câu hỏi về chính sách của Washington tại Syria. Mục tiêu ban đầu của Washington khi xung đột Syria bùng phát là hạ bệ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, bằng cách hậu thuẫn các lực lượng đối lập Syria. Mục tiêu này sau đó phá sản và Mỹ thay đổi trọng tâm chính sách sang chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Kể từ khi IS gần như bị xóa sổ tại Syria, Washington tiếp tục hiện diện tại quốc gia Trung Đông này, nhưng để làm gì và đối phó với lực lượng nào thì thật sự là một dấu hỏi. Giới quan sát tại khu vực đánh giá các quyết định rút quân, rồi lại hủy bỏ, của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ đang bối rối và loạn nhịp trên bàn cờ địa chính trị Syria. Nói cách khác, Mỹ đang rất bị động.
Trong một bài viết trên mục bình luận của tạp chí Mỹ New Yorker ngày 15/10, John Cassidy – một nhà báo chuyên phân tích chính trị, kinh tế - cho rằng chính sách Syria của chính quyền Tổng thống Trump đang trở thành một thảm họa về chính trị và chiến lược.
“Cuộc xâm lược” của Thổ Nhĩ Kỳ tràn vào miền Bắc Syria nhanh chóng biến thành một thảm họa nhân đạo cho người Kurd. Ít nhất 100.000 người dân đã phải sơ tán. Và giờ, nó đang có nguy cơ trở thành một thảm họa chiến lược với Mỹ cũng như thảm họa chính trị đối với Tổng thống Trump.
Tối 14/10, Nhà Trắng thông báo Mỹ yêu cầu một cuộc ngừng bắn và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Trump “nói rất rõ ràng rằng Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công, áp dụng ngay một thỏa thuận ngừng bắn và hãy bắt đầu đàm phán với lực lượng người Kurd tại Syria để chấm dứt bạo lực”. Phó Tổng thống Pence còn cho biết ông và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien sẽ sớm có chuyến đi tới Thổ Nhĩ Kỳ để hội đàm.
Tuy nhiên, khi đích thân lên tiếng, chính bản thân Tổng thống Trump cũng tỏ ra “mập mờ” về chính xác những gì ông nói với người đồng cấp Erdogan. Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng viết: “Tôi làm rõ quan điểm với Tổng thống Erdogan: Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và tạo điều kiện cho các tội ác chiến tranh có thể xảy ra”.
Dòng trạng thái này không hề đề cập đến yêu cầu ngừng bắn cũng như trong các dòng tweet khác, Tổng thống Trump tiếp tục bảo vệ quyết định rút quân. Tuy nhiên, trong quyết định trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ mà nhà lãnh đạo Mỹ ký ngày 14/10, Lầu Năm Góc lại được yêu cầu giữ lại một số lượng binh sĩ ở Đông Bắc Syria.
Lời hứa bảo vệ các đồng minh của Mỹ giờ đây đã không còn giá trị. Phát ngôn viên của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd mô tả động thái rút quân của Mỹ tại Syria là một “nhát dao đâm sau lưng”, mặc dù trước đó lực lượng này nhận được “sự đảm bảo từ Mỹ rằng không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại khu vực”.
Một số nghị sĩ hàng đầu tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã phản đối quyết định của Tổng thống Trump, bày tỏ lo ngại hành động này “đe dọa phá hủy toàn bộ công sức 5 năm nỗ lực chống IS và sẽ làm tổn hại nặng nề uy tín và độ tin cậy của Mỹ trong các cuộc chiến tương lai khi cần sự đoàn kết từ đồng minh”. Đến ngay trong nội bộ Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng đang trong thế bị “cô lập” đầy nguy hiểm.
“Hôm thứ Hai, trong cuộc họp với Tổng thống Trump, các cố vấn đánh giá việc Mỹ không làm gì sẽ trả một cái giá đắt, rằng sự vắng mặt của Mỹ tại khu vực có thể khiến Iran củng cố thêm sức mạnh và tình hình ngày một tồi tệ hơn này có thể gây tổn hại về mặt chính trị cho Tổng thống”, nhóm phóng viên báo Washington Post đưa tin tối 14/10.
Ngày 9/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” nhằm vào khu vực người Kurd kiểm soát tại Đông Bắc Syria. Ankara khẳng định mục tiêu của chiến dịch trên là nhằm thiết lập một vùng an toàn tại miền Bắc Syria bảo vệ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, kể từ khi triển khai chiến dịch, hành động của Ankara đã bị cộng đồng quốc tế liên tục chỉ trích, cho rằng điều này sẽ khiến tình hình Trung Đông vốn dĩ luôn căng thẳng giờ lại leo thang.