Theo đài truyền hình CNN, năm 2020, Mỹ ước tính Trung Quốc có số lượng đầu đạn hạt nhân ở mức dưới 200 và dự kiến kho dự trữ tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ. Tuy nhiên, mới chỉ 2 năm, Trung Quốc đã đạt đến mốc đó và có thể có khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035 nếu họ tiếp tục mở rộng kho dự trữ với tốc độ hiện tại.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao bày tỏ: “Những gì chúng ta chứng kiến thực sự là một tốc độ nhanh chóng”.
Theo bản báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc 2022 của Lầu Năm Góc, khả năng hạt nhân của Bắc Kinh lớn hơn rất nhiều so với những gì nước này từng miêu tả khả năng răn đe hạt nhân là “tinh gọn và hiệu quả”.
Dữ liệu cũng chỉ ra trong năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện 135 vụ thử tên lửa đạn đạo, nhiều hơn so với tổng số các vụ thử tên lửa của các nước còn lại.
Vị quan chức trên cũng tiết lộ những chi tiết mới về vụ phóng thử tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc vào tháng 7/2021. Tên lửa của Trung Quốc đã bay 40.000 km và đạt kỷ lục chuyến bay dài nhất đối với bất kỳ loại vũ khí tấn công mặt đất nào của Trung Quốc từ trước đến nay.
Cũng trong báo cáo, Lầu Năm Góc cho rằng quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển vũ khí không gian và vũ khí đối kháng, coi công nghệ tiên tiến là một cách để ngăn chặn sự can thiệp từ bên ngoài vào một cuộc xung đột quân sự khu vực.
Theo báo cáo, lực lượng vũ trang Trung Quốc có gần 1 triệu binh sĩ trường trực. Lực lượng hải quân của nước này cũng lớn nhất thế giới tính theo số lượng tàu và xếp thứ 3 nếu tính về quy mô của lực lượng không quân.
Chiến lược Quốc phòng 2022 của Mỹ công bố vào tháng trước xác định Trung Quốc là thách thức đối với Mỹ.
Trong cuộc họp báo đầu tháng này, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, cho biết: “Trung Quốc là quốc gia duy nhất có tiềm năng địa chính trị trở thành một thách thức đáng kể đối với chúng ta”.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington thường xoay quanh vấn đề Đài Loan (Trung Quốc). Việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm hòn đảo này đã khiến Bắc Kinh tức giận và thổi bùng sự căng thẳng giữa hai nước.
Hai tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tư cách là tổng thống tại hội nghị G20 ở Indonesia. Tổng thống Biden mô tả cuộc gặp kéo dài 3 giờ là cởi mở và thẳng thắn, đồng thời ông đưa ra cách tiếp cận của Mỹ đối với một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới là cạnh tranh chứ không phải xung đột.
Ông chủ Nhà Trắng cũng tập trung vào nhu cầu duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa Bắc Kinh và Washington. Trung Quốc đã cắt đứt một số kênh liên lạc với Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người đã gặp người đồng cấp Trung Quốc tại Campuchia vào tuần trước, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các kênh liên lạc.