Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ – ông Francis Collins - gần đây chia sẻ với nhóm cố vấn chính phủ: “Không phải ai cũng thích câu trả lời này. Nhưng có nhiều người cảm thấy họ cần ở đầu danh sách”.
Thông thường, đứng dầu danh sách tiêm vắc-xin hiếm là các nhân viên y tế và những đối tượng có nhiều rủi ro nhiễm bệnh nhất. Tuy nhiên, ông Francis Collins cũng đề xuất ý tưởng mới là cân nhắc về địa lý và ưu tiên những cá nhân sống tại nơi dịch bệnh hoành hành mạnh nhất.
Hai công ty dược Mỹ là Moderna và Pfizer trong tháng 7 đã tiến hành thử nghiệm vắc-xin với 30.000 tình nguyện viên. Trong những tháng tới, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax cũng dự định huy động số tình nguyện viên tương tự để thử nghiệm vắc-xin.
Ngày 31/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo đã đạt hợp đồng 100 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 với hai công ty dược lớn. Đây được coi là thông tin nhiều tiến triển nhưng vẫn tồn tại lo ngại rằng ngay cả khi vắc-xin phòng COVID-19 được tuyên bố là an toàn và hiệu quả vào cuối năm nay thì vẫn không đủ liều dành cho mọi người ngay lập tức, đặc biệt trong trường hợp cần tiêm đủ hai liều vắc-xin để đạt hiệu quả.
Tại Mỹ, Ủy ban Cố vấn về thực hành tiêm chủng trực thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ đề xuất đối tượng và thời điểm tiêm vắc-xin. Chính phủ Mỹ thường cân nhắc và thực hiện theo đề xuất này.
Nhưng ở thời điểm này, vấn đề đối với vắc-xin phòng COVID-19 được coi khá phức tạp nên quốc hội đã huy động cả các chuyên gia từ Viện Y học Quốc gia cố vấn cho chính phủ.
Giám đốc CDC Bill Foege nhấn mạnh người dân phải nhận thấy phân phối vắc-xin là “công bằng, hợp lý và minh bạch”.
CDC cũng đề xuất dùng 12 triệu liều vắc-xin đầu tiên cho các lao động thuộc ngành y tế, an ninh quốc gia và những ngành nghề thiết yếu khác. Tiếp đó, vắc-xin sẽ dành cho 110 triệu người gặp rủi ro về COVID-19 như nhóm người trên 65 tuổi hoặc có sức khỏe yếu, lao động trong lĩnh vực cốt yếu khác. Toàn bộ dân số còn lại sẽ là nhóm sau cùng nhận vắc-xin.
Nhưng vẫn có những câu hỏi chưa được trả lời, đó là “ngành nghề thiết yếu” liệu có bao gồm cả giáo viên, nhân công nhà máy chế biến thịt gia cầm. Liệu có khả năng vắc-xin không hiệu quả đối với nhóm người cao tuổi bởi hệ miễn dịch của họ không phản ứng nhanh như nhóm trẻ tuổi và khỏe mạnh hơn?
Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh cần quan tâm tới yếu tố sắc tộc bởi người da màu, Mỹ Latinh và người Mỹ bản địa chịu tác động khác biệt bởi COVID-19.
Ông Sharon Frey tại Đại học St. Louis cũng đề cập đến nhóm lao động nghèo thành thị sống trong điều kiện đông đúc, ít được tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và không thể làm việc tại nhà như những người khác.
Ngoài ra, ông Henry Bernstein tại Northwell Health - nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở New York - đánh giá rằng nên xem xét về việc tiêm vắc-xin cho cả một hộ gia đình thay vì chỉ tập trung vào thành viên rủi ro nhất.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, đến trưa 3/8, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ là trên 4,63 triệu người, trong đó có 158.365 người tử vong.
Không chỉ riêng Mỹ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang chật vật với câu hỏi ai được ưu tiên tiêm vắc-xin trước. WHO cam kết phân phối công bằng vắc-xin cho những nước thu nhập thấp.
Các chuyên gia ước tính rằng thế giới cần khoảng 2 tỷ liều vắc-xin phòng COVID-19 vào cuối năm 2021 nếu những vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng chứng minh hiệu quả. Nhưng nhiệm vụ sản xuất hàng tỷ liều vắc-xin khó khăn hơn nhiều so với chỉ vài triệu liều. Ông Charlie Weller tại tổ chức phi lợi nhuận Wellcome Trust (Anh) nhận định: "Trong vòng ít nhất một năm kể từ khi vắc-xin COVID-19 đủ điều kiện, có nhiều khả năng không đủ nguồn cung hàng tỷ liều toàn cầu".
Ngày 24/4, nhiều lãnh đạo thế giới như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel thống nhất ủng hộ sáng kiến đảm bảo điều trị và chia sẻ công bằng vắc-xin trên toàn cầu.