Kênh CNN (Mỹ) cho biết gần đây đã xảy ra tấn công mạng nhằm vào Microsoft và công ty PulseSecure đều bị nghi ngờ có liên quan tới tin tặc tại Trung Quốc.
Ngoài ra, một nhóm tin tặc có tên REvil sau khi tấn công mạng công ty Kaseya (Mỹ) đã yêu cầu 70 triệu USD để đổi lấy công cụ giải mã. Giới chức Mỹ không khuyến khích các công ty chi trả tiền chuộc bởi cho rằng điều này chỉ góp phần khiến tội phạm mạng thêm hung hăng.
Việc đưa tội phạm mạng ra xử lý trước pháp luật cũng là quá trình gian nan liên quan đến các tầng quản lý từ địa phương tới liên bang và thậm chí là tổ chức quốc tế. Quá trình này có thể kéo dài nhiều năm mà không kèm theo đảm bảo về kết quả thành công. Trong quãng thời gian này, số vụ tấn công mạng tiếp tục tăng.
Việc lần dấu và lật tẩy những cá nhân thực sự đứng sau các vụ tấn công mạng được coi là khá khó khăn. Các chuyên gia an ninh đề xuất rằng những nạn nhân của tấn công mạng nên liên hệ với cơ quan chức năng địa phương.
Trong tháng 4, Bộ Tư pháp Mỹ đã tổ chức lực lượng chuyên trách về tấn công mạng. Mục tiêu chính là phối hợp giữa các cơ quan liên bang để lần dấu và lật tẩy những kẻ tấn công mạng. Ông Anup Ghosh, từng là nhà nghiên cứu tại Lầu Năm Góc đánh giá rằng các công ty tư nhân là nạn nhân của tấn công mạng có thể “mờ tịt” về kẻ tấn công họ.
Trong trường hợp những kẻ tấn công mạng ở quốc gia khác, các quan chức Mỹ thường phải tìm cách theo đuổi phương thức hợp tác quốc tế và ngoại giao.
Ông Bret Fund tại Trường Flatiron (Mỹ) đánh giá: “Thách thức lớn nhất trong việc đưa nhóm tin tặc nước ngoài ra công lý là phải thực hiện các chiến dịch qua nhiều tầng quản lý của nước đó. Điều này giảm khả năng tiếp cận với các nguồn thực địa để điều tra, thu thập thông tin tình báo và hỗ trợ tố tụng xuyên biên giới”.
Sau khi xác định được nhóm tấn công mạng ở nước ngoài và xử lý tố tụng với sự hỗ trợ của các tổ chức như Interpol và Europol thì thách thức tiếp theo là đưa những tên tội phạm mạng ra hệ thống tư pháp Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy mạnh các nỗ lực để hoàn thiện chiến thuật của chính phủ đối với xử lý tấn công mạng.
Mỹ đã đạt thỏa thuận dẫn độ với trên 100 quốc gia. Đối với những nước không nằm trong danh sách này như Nga và Trung Quốc, giới chức Mỹ thường đợi đến khi đối tượng di chuyển đến quốc gia khác để bắt giữ và dẫn độ. Nhưng quá trình này có thể kéo dài nhiều năm bởi giới chức Mỹ không có nhiều kiểm soát về thời điểm và tiến trình.