Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhắc đến ý tưởng này vào ngày 18/3 khi ông nói về cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây. Trong điện đàm, Thủ tướng Israel đồng ý với ông Biden là sẽ cử một nhóm tới Mỹ để lắng nghe những lo ngại của Mỹ về kế hoạch tấn công Rafah. Mỹ cũng sẽ đưa ra một cách tiếp cận khác để Israel tấn công các thành viên chủ chốt của Hamas ở Rafah và bảo vệ biên giới Ai Cập - Gaza mà không cần tấn công Rafah trên bộ.
Theo cách tiếp cận này, Mỹ muốn Israel sẽ tập trung ngăn chặn hoạt động buôn lậu vũ khí từ Ai Cập vào Gaza thông qua Hành lang Philadelphi.
Theo Mỹ, nếu Israel đạt được một thỏa thuận mới với Ai Cập và xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để cắt đứt tuyến đường buôn lậu vũ khí vào Gaza, thì cách cách tiếp cận này sẽ hiệu quả hơn trong tiêu diệt Hamas so với tấn công trên bộ ở Rafah.
Một quan chức Mỹ nhận định: “Nếu Israel tấn công Rafah và gây ra nhiều thương vong dân thường, thì sẽ khó khiến Ai Cập hợp tác trong phong tỏa Hành lang Philadelphi”.
Theo các quan chức Mỹ, nước này phản đối Israel tấn công trên bộ ở Rafah không có nghĩa là phản đối tấn công các thủ lĩnh Hamas ở Rafah hoặc những nơi khác. Kế hoạch mà Mỹ định đề xuất với phái đoàn Israel sắp tới sẽ tập trung vào mục tiêu này.
Phía Mỹ cũng muốn Israel sẽ sử dụng giai đoạn sắp tới để tăng cường hỗ trợ nhân đạo quy mô lớn trong bối cảnh báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy nạn nói sắp xảy ra ở phía Bắc Gaza.
Điều này có nghĩa là Israel sẽ cần mở thêm các tuyến đường bộ trong Gaza để cung cấp viện trợ cho miền Bắc.
Các kế hoạch thay thế mà Mỹ muốn thảo luận với phái đoàn Israel cũng sẽ bao gồm các nỗ lực tái thiết Gaza và xây dựng một giải pháp thay thế Hamas.
Cả hai vấn đề này đều là điểm gây tranh cãi. Theo kế hoạch dành cho Gaza thời hậu chiến mà ông Netanyahu trình bày trước nội vào tháng trước, Israel sẽ chỉ tái thiết Gaza sau khi vùng đất này được phi quân sự hóa và phi cực đoan hóa. Tuy nhiên, ông Netanyahu cũng muốn trao quyền cho các thủ lĩnh thị tộc địa phương không có quan hệ với Chính quyền Palestine để thay thế Hamas quản lý Gaza. Dù vậy, Mỹ và cộng đồng quốc tế không hoan nghênh ý tưởng này vì họ muốn Chính quyền Palestine quay lại Dải Gaza.
Trong cuộc trao đổi với The Times of Israel, cả hai quan chức Mỹ đều nói rõ rằng Mỹ không phớt lờ 4 tiểu đoàn Hamas còn lại ở Rafah, nhưng cho rằng ông Netanyahu đã nói quá về sức mạnh và tầm quan trọng của sứ mệnh lật đổ Hamas.
Trong khi đó, đầu ngày 19/3, văn phòng của Thủ tướng Netanyahu thông báo rằng ông đã cử hai trợ lý đáng tin cậy nhất là Bộ trưởng Vấn đề chiến lược Ron Dermer và Cố vấn an ninh quốc gia Tzachi Hanegbi dẫn đầu phái đoàn Israel tới Mỹ.
Tuyên bố cho biết: “Thủ tướng nhấn mạnh rằng ông quyết tâm thực hiện hoạt động ở Rafah nhằm tiêu diệt vĩnh viễn các tiểu đoàn Hamas còn lại, đồng thời đưa ra các giải pháp nhân đạo cho dân thường”.
Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre thông báo rằng cuộc gặp của phái đoàn Israel với Mỹ có thể sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ nói rõ rằng chỉ ủng hộ cuộc tấn công Rafah nếu Israel đưa ra trước một kế hoạch đáng tin cậy để bảo vệ hơn một triệu dân đang trú ẩn ở đây. Giới chức Mỹ cho rằng không có một kế hoạch nào có thể đảm bảo được điều đó.
Ông Netanyahu nói rằng quân đội Israel sẽ sơ tán dân thường đến các khu vực phía Bắc Rafah trước khi bắt đầu chiến dịch và tuyên bố ông đã phê duyệt kế hoạch tấn công Rafah.
Về phần mình, ông Sullivan khẳng định: “Những mục tiêu quan trọng mà Israel muốn đạt được ở Rafah có thể được thực hiện bằng các phương tiện khác”.
Kế hoạch tấn công Rafah đã gây tranh cãi giữa Israel và Mỹ trong nhiều tháng qua. Rafah là nơi cuối cùng của Dải Gaza mà lực lượng mặt đất của Israel chưa tiến vào ồ ạt.
Theo Israel, tấn công Rafah là cần thiết để tiêu diệt bốn tiểu đoàn của Hamas ở đó, nhưng họ cũng đang tìm cách giành quyền kiểm soát Hành lang Philadelphi giữa Ai Cập và Gaza để ngăn chặn buôn lậu vũ khí vào Dải Gaza sau cuộc chiến.
Tuy vậy, chưa có dấu hiệu nào cho thấy sắp xảy ra chiến dịch trên bộ ở Rafah vì Israel đã rút hầu hết quân dự bị khỏi Gaza. Israel sẽ phải triệu tập lại hàng nghìn quân trước khi cuộc tấn công Rafah bắt đầu.
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Israel về chiến dịch ở Rafah dường như là một phần nỗ lực gây áp lực buộc Hamas phải đồng ý với thỏa thuận con tin đang được đàm phán, nếu không sẽ có nguy cơ thành trì cuối cùng bị phá hủy.