Danh sách cũng bao gồm xúc xích, thịt giăm bông, mì ống, thịt hầm cuốn và nhiều loại pho mát khác. Một tuyên bố cho biết, ngày 1/7, Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ đã ra thông báo để tham vấn công khai về một danh sách các sản phẩm có thể bị áp thuế bổ sung do việc EU trợ cấp cho máy bay dân dụng.
Danh sách bổ sung này thêm 89 tiểu mục thuế quan với trị giá thương mại tương đương 4 tỷ USD vào danh sách ban đầu công bố hôm 12/4, trong đó bao gồm các tiểu mục thuế quan trị giá 21 tỷ USD.
Suốt hơn 14 năm qua, Washington và Brussels cáo buộc lẫn nhau trợ cấp không công bằng cho hai hãng hàng không Boeing (của Mỹ) và Airbus (của châu Âu). Đây là cuộc tranh cãi phức tạp nhất mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) phải xử lý.
Hồi giữa tháng 4 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có thể bị áp thuế trị giá 20 tỷ USD, xuất phát từ những tranh cãi xuyên Đại Tây Dương về chính sách trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay.
Danh sách này được đưa ra khi một tuần trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách các mặt hàng của EU bị Washington áp thuế bổ sung - từ máy bay thương mại cỡ lớn, phụ tùng máy bay cho tới các sản phẩm sữa và rượu vang - nhằm đáp trả các khoản trợ cấp EU dành cho Airbus trị giá 11 tỷ USD (theo ước tính của Mỹ).
Brussels đã đáp trả bằng một danh sách các hàng hóa nhập khẩu trị giá 20 tỷ USD của Mỹ, gồm các sản phẩm nông nghiệp từ hoa quả khô, máy bay, cá, thuốc lá, túi xách, vali, máy kéo, trực thăng và thiết bị chơi video games.
Hồi tháng 7 năm ngoái, EU và Mỹ đã nhất trí ngừng các động thái thương mại gây căng thẳng sau khi Tổng thống Trump quyết định không áp thuế đối với ôtô nhập khẩu từ EU. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương lại gia tăng khi Mỹ mới đây đề xuất áp thuế đối một số hàng hóa của EU với tổng giá trị lên tới 11 tỷ USD. Số tiền này tương đương với mức thiệt hại mà Mỹ cho là nước này phải phải hứng chịu do các khoản trợ cấp của châu Âu dành cho các hãng chế tạo máy bay.
EU tuyên bố sẵn sàng tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Mỹ và đặt mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận trước cuối năm nay. EC đã thông nhất hai lộ trình trong cuộc đối thoại sắp tới với Mỹ: một mặt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa công nghiệp, mặt khác nới lỏng các quy định cho phép các công ty tại hai bên đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ hoặc EU.
Tuy nhiên, EU đã loại trừ lĩnh vực nông nghiệp ra khỏi các cuộc đàm phán, dẫn tới bất đồng giữa khối liên minh gồm 28 thành viên này và Mỹ. Trong khi đó, Washington từ lâu luôn khăng khăng yêu cầu các cuộc đàm phán phải bao gồm các mặt hàng nông sản.