Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận CNA trụ sở tại Arlington, Virginia (Mỹ) vào ngày 24/5 đưa ra nhận định trên qua báo cáo “Trí thông minh nhân tạo và Tự động hóa tại Nga”. Nội dung báo cáo đánh giá Moskva đang ưu tiên trí thông minh nhân tạo trong hiện đại hóa quân đội. CNA đã bắt tay cùng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo chung của Lầu Năm Góc để đưa ra báo cáo này.
Báo cáo của CNA nhấn mạnh Trung Quốc có đóng góp quan trọng với vai trò “đối tác chiến lược của Nga trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và trí thông minh nhân tạo nói riêng”.
Ông Samuel Bendett tại CNA chia sẻ với tờ Newsweek (Mỹ) rằng một ví dụ cho thấy mức độ tin tưởng cao giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự hiện nay có thể được thấy qua việc Moskva hỗ trợ Bắc Kinh dựng hệ thống cảnh báo sớm tên lửa.
Báo cáo của CNA có đề cập đến hàng loạt vũ khí quân đội Nga sản xuất có “yếu tố” trí thông minh nhân tạo hoặc tự động như phương tiện di chuyển trên không, trên bộ và trên biển cùng mìn đặc biệt, robot…
Báo cáo của CNA được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố nước này bắt đầu sản xuất robot quân sự tự động. Ngày 21/5, Bộ trưởng Shoigu nêu rõ: “Việc sản xuất hàng loạt robot chiến đấu đã bắt đầu”.
CNA nhận định: “Hợp tác quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc tiếp tục tăng cùng trao đổi công nghệ”. Trong những năm gần đây, các nghị sĩ Mỹ đã để mắt đến tình trạng Nga và Trung Quốc cùng chạy đua để đạt năng lực trí thông minh nhân tạo tiên tiến. Do vậy, năm 2018, Mỹ thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí thông minh nhân tạo với mục tiêu xác định mối đe dọa từ cuộc chạy đua vũ khí hóa trí thông minh nhân tạo.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6/2021, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên cạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố năm 2020 và 2021 sẽ là “năm của khoa học, công nghệ và hợp tác cải tiến” giữa hai quốc gia. Thông điệp này được củng cố bằng kế hoạch được xác nhận về việc phối hợp xây dựng công trình trên bề mặt Mặt Trăng và hai nhà máy năng lượng hạt nhân Nga xây tại Trung Quốc.