Những cuộc điều tra như vậy là tiền đề để Mỹ căn cứ vào đó, áp đặt các biện pháp thuế trả đáp trả hoặc hạn chế thương mại đối với các đối tác.
Trong thông báo mở cuộc điều tra, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nêu rõ Washington đặc biệt quan ngại kế hoạch thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Thượng viện Pháp dự kiến thông qua trong ngày 11/7, gây bất lợi cho các doanh nghiệp Mỹ như Google, Appple Inc, Facebook Inc hay Amazon.com Inc.
Hồi tháng 3, Bộ Tài chính Pháp công bố kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số ở mức 3% tổng doanh thu hằng năm tại Pháp của các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số và quy định này chỉ áp dụng với các công ty công nghệ lớn nhất. Nếu thực hiện kế hoạch trên, nguồn thu ngân sách quốc gia châu Âu này có thể được bổ sung thêm 500 triệu euro (563 triệu USD)/năm. Theo Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, kế hoạch thuế này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 30 doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty Mỹ, ngoài ra có cả Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha...
Theo Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR), kế hoạch đánh thuế nói trên sẽ tác động tới các tập đoàn công nghệ lớn có tổng doanh thu toàn cầu hằng năm ít nhất 750 triệu euro (844 triệu USD) và 25 triệu euro riêng tại Pháp.
Cuộc điều tra được tiến hành theo Đạo luật 301 của Mỹ, theo đó ông Lighthizer trong 1 năm sẽ tiến hành điều tra làm rõ kế hoạch thuế của Pháp có gây tổn hại đến các công ty công nghệ của Mỹ hay không, cũng như xác định có bất cứ hoạt động thương mại không công bằng nào hay không. Ông Lighthizer khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) để đạt được một thỏa thuận đa phương giải quyết những thách thức đối với hệ thống thuế quốc tế phát sinh do kinh tế toàn cầu kỹ thuật số đang trên đà tăng trưởng nhanh.
USTR từng mở các cuộc điều tra tương tự đối với hoạt động thương mại của Trung Quốc và trợ giá của châu Âu trong ngành sản xuất máy bay thương mại cỡ lớn.