Mỹ đối mặt bài toán khó sau cuộc lật đổ lịch sử ở Syria

Tình hình chính trị tại Syria bất ngờ thay đổi khi một cuộc tấn công chớp nhoáng do các nhóm đối lập dẫn đầu đã lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN

Sự kiện này khiến Mỹ và các nhà phân tích quốc tế phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về chiến lược tương lai và mức độ ưu tiên của Washington đối với Syria.

Trong một động thái bất ngờ, chỉ trong vòng 10 ngày, lực lượng đối lập do nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus và buộc Tổng thống al-Assad phải rời khỏi đất nước.

Sự kiện này không chỉ lật ngược cục diện chính trị tại Syria mà còn đặt ra thách thức lớn về sự ổn định của khu vực.

Các nhà phân tích cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không lường trước được sự thay đổi này. Ông Qutaiba Idlbi, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét: “Sự kiện này diễn ra nhanh chóng đến mức chính quyền Mỹ không kịp ứng phó”.

Phát biểu hôm 8/12 sau khi phiến quân kiểm soát thủ đô Damascus, Tổng thống Biden mô tả sự kiện này là “một khoảnh khắc của cơ hội lịch sử” nhưng cũng cảnh báo về “rủi ro và bất ổn”. Ông nhấn mạnh rằng sự sụp đổ của tổng thống al-Assad là kết quả từ các chính sách của Mỹ nhằm cô lập Iran và làm suy yếu sự ủng hộ từ Nga đối với Syria.

Tổng thống Biden cam kết tiếp tục hỗ trợ các quốc gia láng giềng như Jordan, Liban, Iraq và Israel, đồng thời duy trì sự hiện diện của khoảng 900 binh sĩ Mỹ ở đông bắc Syria để hỗ trợ lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố ISIL.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng một số nhóm phiến quân lật đổ ông al-Assad có hồ sơ khủng bố đen tối đòi hỏi Mỹ phải cảnh giác cao độ.

Với nhiệm kỳ chỉ còn sáu tuần trước khi chuyển giao quyền lực cho Tổng thống đắc cử Donald Trump, Tổng thống Biden đối mặt với giới hạn trong việc định hình chính sách đối với Syria. Các quyết định dài hạn nhiều khả năng sẽ do chính quyền tổng thống đắc cử Trump đưa ra.

Trong khi đó, ông Trump từng tuyên bố ý định rút quân Mỹ khỏi Syria và ngày 7/12, ông viết trên mạng xã hội, khẳng định Mỹ sẽ không can thiệp quân sự vào Syria. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự thiếu cam kết trong việc duy trì ổn định tại khu vực này.

Những thay đổi tại Syria cũng đặt ra câu hỏi về cách Mỹ sẽ ứng xử với nhóm HTS, vốn từng bị Washington liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Mặc dù nhóm này đã tách khỏi al-Qaeda và tự coi mình là lực lượng ôn hòa, nhiều quan sát viên vẫn hoài nghi về khả năng HTS quản lý một quốc gia đa dạng như Syria.

Theo ông Mahmood Barazi, chủ tịch Liên minh Mỹ vì Syria, đây là cơ hội để Mỹ thúc đẩy một chiến lược chủ động hơn nhằm hỗ trợ các nhóm đối lập và ngăn chặn ảnh hưởng của Iran tại Syria. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một cách tiếp cận thận trọng để tránh gây ra thêm bất ổn trong khu vực.

Cuộc lật đổ chính quyền al-Assad mở ra một chương mới đầy biến động cho Syria, đồng thời đặt ra những bài toán khó cho Mỹ.

Trong khi chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng xử lý những tuần cuối nhiệm kỳ, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào cách ông Trump sẽ định hình chính sách đối với Syria và khu vực Trung Đông trong nhiệm kỳ tiếp theo. 

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Wp/Aljazeera)
Nhìn lại 10 ngày sụp đổ chóng vánh của chính phủ Syria
Nhìn lại 10 ngày sụp đổ chóng vánh của chính phủ Syria

Vào rạng sáng 8/12, lực lượng đối lập tuyên bố chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sụp đổ khi họ tràn vào thủ đô Damascus.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN