Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo ngân hàng trung ương Mỹ giờ đây đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan là tình trạng giảm phát.
Chỉ số CPI là yếu tố đầu tiên phản ánh các tác động của COVID-19 tại Mỹ, theo đó giá năng lượng nói chung giảm 2%, trong đó giá xăng giảm 3,4% và giá dầu giảm 8,5%. Tiền chi cho các hoạt động giải trí và đi lại bằng hàng không cũng giảm.
Khi các thị trường đang chao đảo vì dịch COVID-19, tuần trước Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp đầu tiên kể từ năm 2008, đưa về mức giao động 1-1,25%. Khi các triển vọng kinh tế rất bấp bênh, các nhà đầu tư dự báo FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 17-18/3 tới.
Các chuyên gia tại Oxford Economics nhận định báo cáo của bộ trên "cho thấy hậu quả chung của COVID-19 gây tác động giảm phát vì đây không chỉ là một cú sốc về nguồn cung mà còn là cú sốc lớn về cầu".
Trong một diễn biến khác, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 11/3 giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm nay, do tác động của dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo có thể sẽ tiếp tục phải làm điều tương tự. Trong báo cáo hằng tháng mới nhất, OPEC đã dự báo nhu cầu dầu trung bình hằng ngày của thế giới là 99,73 thùng, giảm 0,92 thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC cho biết: "Tính đến các diễn biến mới nhất... có thể sẽ tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu nếu tình hình hiện nay kéo dài".
Dịch COVID-19 đã gây xáo trộn lớn về kinh tế tại Trung Quốc và trên thế giới, khi chính quyền các nước áp đặt nhiều biện pháp nhằm kiềm chế sự lây lan của virus, tác động đến nhu cầu về dầu. Trong khi đó, các thị trường dầu còn bị khuấy đảo vì cuộc chiến giá ngày càng leo thang giữa Nga và Saudi Arabia. Tuần trước, Nga đã không ủng hộ đề xuất cắt giảm sản lượng của OPEC, dẫn tới việc cả Saudi Arabia và Nga đều tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác dầu, khiến nguồn cung dầu toàn cầu có thể dôi dư quá mức.