Theo Sputnik (Nga), các nguồn tin hải quân cấp cao Anh cho biết tàu khu trục trang bị lên lửa phòng không và tàu khu trục chống ngầm sẽ tách khỏi nhóm tác chiến tàu sân bay Hải quân Hoàng gia ở Địa Trung Hải, hướng tới Bosphorus để vào Biển Đen tháng tới.
Máy bay tàng hình F-35B Lighting và trực thăng săn ngầm Merlin của Không quân Hoàng gia Anh sẽ sẵn sàng trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của nhóm tác chiến để ủng hộ các tàu chiến ở Biển Đen. Tờ The Sunday Times nói rõ rằng Anh đưa tàu chiến ra ngoài khơi Ukraine là nhằm thể hiện đoàn kết với Ukraine và các đồng minh NATO trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh cho biết Anh và đồng minh kiên định ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền Ukraine và kêu gọi Nga giảm căng thẳng.
Trong khi đó, ngày 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm về Ukraine. Ông Biden cho biết ông lo ngại về việc Nga điều động một số lượng lớn binh sĩ tới gần biên giới Ukraine và đề nghị Nga giảm căng thẳng với láng giềng.
Về phần mình, Nga khẳng định động thái điều quân là để đảm bảo an ninh quốc gia nhằm phản ứng với việc các nước NATO đang tăng cường hiện diện gần biên giới Nga.
Ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga đã ra bản tin nói rằng từ 24/4 đến 31/10, sẽ không cho tàu chiến nước ngoài đi qua vùng biển của Nga ở ba khu vực trên Biển Đen. Các khu vực bị đóng cửa nằm trong lãnh hải Nga và không ngăn cản hoạt động qua lại eo biểu Kerch.
Ngày 15/4, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố các thành viên NATO đã có hành động gây hấn, làm tăng căng thẳng tình hình quanh Ukraine – vốn không thuộc khu vực trách nhiệm của NATO và cho rằng NATO đang tạo ra bầu không khí theo kiểu “trả đũa quân sự”.
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận Mỹ đã hủy đưa hai tàu khu trực qua Bosphorus vào Biển Đen. Lầu Năm Góc không bác bỏ cũng không xác nhận rằng động thái hủy điều tàu chiến là để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Theo Lầu Năm Góc, Hải quân Mỹ hiện không hiện diện ở Biển Đen.