Trả lời phỏng vấn kênh CNN ngày 15/10, ông Tillerson nói: “Tổng thống Trump muốn chuyện này giải quyết theo cách ngoại giao, ông ấy không muốn chiến tranh… Các nỗ lực ngoại giao sẽ tiếp tục cho tới khi quả bom đầu tiên rơi xuống”.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông Trump không nhìn nhận biện pháp ngoại giao là lãng phí thời gian trong vấn đề Triều Tiên. Ông Trump “đã làm rõ với tôi rằng ông ấy muốn chuyện này được giải quyết theo cách ngoại giao”, ông Tillerson nhắc lại.
Tổng thống Donald Trump đã cử tàu ngầm hạt nhân USS Michigan tới Hàn Quốc để tập trận trong 5 ngày. Ảnh: EPA |
Tuyên bố này được đưa ra ít ngày sau khi Tổng thống Trump công khai trên mạng xã hội Twitter rằng ông Tillerson đang “mất thời gian đàm phán với Người đàn ông Tên lửa” và “chúng ta sẽ làm việc cần phải làm”, dấy lên nghi ngờ về một cuộc đáp trả quân sự sắp tới đối với vấn đề Triều Tiên.
Thậm chí sau đó, Tổng thống Trump còn khẳng định “chỉ còn một phương án duy nhất” xử lý Bình Nhưỡng sau khi “các cuộc nói chuyện với Triều Tiên trong suốt 25 năm qua không hiệu quả”.
Cũng trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã thể hiện quan điểm đồng nhất với Ngoại trưởng Tillerson, cho rằng Mỹ đang tiếp tục áp dụng các biện pháp đối ngoại với Triều Tiên.
Mặc dù hai quan chức hàng đầu Nhà Trắng đã khẳng định lập trường ngoại giao của Washington song những động thái quân sự mới nhất của chính phủ Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên lại cho thấy sự đối lập. Washington dường như đang muốn phô trương tiềm lực quân sự hùng hậu, đồng thời gây sức ép tối đa lên Bình Nhưỡng.
Để chuẩn bị cho cuộc tập trận hải quân quy mô lớn với Hàn Quốc kéo dài 5 ngày, Mỹ đã đưa tàu ngầm hạt nhân USS Michigan trang bị tên lửa Tomahawk đến khu vực. Con tàu nặng 18.000 tấn này đã cập cảng Busan ngày 13/10. Sự hiện diện của USS Michigan ở sát sườn Triều Tiên với tầm bắn tên lửa 2.200km đã được giới chuyên gia đánh giá là một thách thức nghiêm trọng với Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, một nhóm tàu tấn công do tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ dẫn đầu cũng đã cập bến Hàn Quốc để tham gia tập trận từ 16/10. Nhóm tàu tấn công này sẽ phối hợp với các tàu chiến và nhiều loại khí tài quốc phòng khác của Seoul hoạt động tại vùng biển phía đông. Cùng với đó là các loại vũ khí khác như máy bay chiến đấu F-15 K, FA-18, A-10, máy bay trực thăng chiến đấu AH-64E Apache, Lynx và AW-159.
Một tuần trước, quân đội Mỹ đã tổ chức diễn tập chung với Nhật Bản và Hàn Quốc trên Biển Nhật Bản. Sáu máy bay quân sự Mỹ - bao gồm một máy bay “đánh hơi hạt nhân” và hai oanh tạc cơ siêu thanh B-1B Lancer – đã rầm rộ bay lượn trên bầu trời Bán đảo Triều Tiên.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho rằng các cuộc tập trận trên đã đẩy nhà lãnh đạo Kim Jong-un “đến gần hơn với cò súng”. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc lại kêu gọi Mỹ tăng cường hoạt động quân sự.
Cụ thể, sau chuyến thăm tàu ngầm USS Michigan, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Trump hãy cho Triều Tiên thấy sức mạnh của mình bằng cách điều thêm nhiều vũ khí chiến lược tới khu vực này. Ông Song Young-moo phát biểu: “Đây chính là thời điểm thể hiện sức mạnh của sự hợp tác chặt chẽ Hàn Quốc-Mỹ trong tình hình các mối đe dọa từ Triều Tiên vẫn tiếp tục”.
“Việc tăng cường hoạt động triển khai luân phiên thường xuyên các vũ khí chiến lược của Mỹ thể hiện lời cam kết mạnh mẽ giữa các đồng minh trong việc bảo vệ Bán đảo Triều Tiên”, ông Soong nhấn mạnh.