Theo trang The Guardian (Anh), tuyên bố này được đưa ra vào cuối cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa Mỹ và Taliban kể từ khi Washington rút quân khỏi Afghanistan hồi cuối tháng 8 vừa qua, chấm dứt sự hiện diện quân sự kéo dài 20 năm tại quốc gia Trung Nam Á.
Phát ngôn viên chính trị của Taliban Suhail Shaheen cho biết cuộc đàm phán giữa họ và Mỹ ở Doha (Qatar) đã đạt được kết quả tốt đẹp. Washington đồng ý viện trợ nhân đạo cho Afghanistan nhưng nhấn mạnh viện trợ đó không đồng nghĩa với việc chính thức công nhận chính quyền Taliban ở Afghanistan.
Trong khi đó, phía Mỹ chỉ tiết lộ hai bên "đã thảo luận về việc cung cấp viện trợ nhân đạo trực tiếp cho người dân Afghanistan". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price gọi các cuộc thảo luận là "thẳng thắn và chuyên nghiệp", trong đó Mỹ nhắc lại rằng sẽ đánh giá Taliban dựa trên hành động của họ thay vì lời nói.
"Phái đoàn Mỹ tập trung vào các mối quan tâm về an ninh, khủng bố và sơ tán an toàn cho công dân Mỹ, các công dân nước ngoài khác và các đối tác Afghanistan của chúng tôi, cũng như vấn đề nhân quyền, bao gồm vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong mọi khía cạnh của xã hội Afghanistan", ông Price nói trong một tuyên bố.
Trước đó, hôm 8/10, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết cuộc gặp này không phải là để công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền Taliban tại Afghanistan, mà là để tiếp tục các cuộc đàm phán về những vấn đề liên quan lợi ích quốc gia của Mỹ.
Tuy nhiên, hôm 10/10, Taliban đã từ chối hợp tác với Washington trong việc đối phó với lực lượng chân rết của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoạt động mạnh mẽ ở Afghanistan.
Các nhóm khủng bố, đặc biệt là IS, đã trở thành vấn đề đau đầu với Taliban kể từ khi lực lượng này lên nắm quyền. IS-K, nhánh Afghanistan của IS, đang ngày càng manh động với nhiều vụ tấn công nhắm vào dân thường lẫn Taliban. Tổ chức này đứng sau vụ đánh bom khiến hàng chục người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ thiệt mạng hồi cuối tháng 8. Mới đây nhất, nhóm này nhận trách nhiệm vụ đánh bom nhằm vào giáo đường Hồi giáo ở Kunduz làm trên 70 người chết và nhiều người bị thương hôm 9/10.
Sau khi giành quyền kiểm soát Afghanistan hôm 15/8, chính quyền Taliban phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có cuộc khủng hoảng kinh tế, nhân đạo. Ngoài ra, Taliban cũng đang nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế công nhận chính quyền mới của mình ở Afghanistan.