Ngày 30/10, giới chức tình báo cấp cao của Ðức và Mỹ đã nhóm họp tại thủ đô Washington để hạ nhiệt căng thẳng giữa hai đồng minh, sau khi có những tin tức được tiết lộ nói rằng các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ đã chặn thu và nghe lén điện thoại di động của hàng chục nguyên thủ quốc gia, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.Phóng viên TTXVN tại Washington cho biết phái đoàn Đức - do ông Guenter Heiss, điều phối viên tình báo của Thủ tướng Merkel dẫn đầu - đã gặp các đồng nghiệp Mỹ, trong đó có Giám đốc Tình báo Quốc gia James Lapper và Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice.
Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) Mỹ Keith Alexander (giữa), Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper (phải) có phiên điều trần trước Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, ngày 29/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu với báo giới trước khi diễn ra cuộc gặp, một số quan chức Nhà Trắng khẳng định hiện nay Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) "không còn nghe lén điện thoại của Thủ tướng Angela Merkel và trong tương lai cũng sẽ không làm như thế". Các quan chức Mỹ không bình luận về cáo buộc nói rằng NSA có thể đã nghe lén điện thoại di động của bà Merkel từ năm 2002, tức là 3 năm trước khi bà đắc cử Thủ tướng.
Trước đó trong tuần này, một phái đoàn Nghị viện châu Âu cũng đã tới Washington để thảo luận với các nhà lập pháp Mỹ về vụ tai tiếng nghe trộm điện thoại.
Các cuộc gặp diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Barack Obama có cuộc điện đàm với bà Merkel hồi tuần trước. Trong cuộc điện đàm, bà Merkel đã chính thức phản đối các hành động bí mật do thám bạn bè và đồng minh của Mỹ, cho rằng hành động này là không thể chấp nhận được. Đức cùng với Pháp và một số nước châu Âu khác muốn Mỹ phải đàm phán và ký thỏa thuận cam kết không do thám lẫn nhau giữa các đồng minh vào trước cuối năm nay.
Châu Á cũng đã có phản ứng mạnh trước chương trình do thám bí mật của NSA sau khi các tờ báo ở Australia đăng các thông tin do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ nói rằng tình báo Australia - thông qua các đại sứ quán ở thủ đô nhiều nước châu Á - đã hợp tác với Mỹ theo dõi các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Ngày 30/10, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã lên tiếng phản đối, cho rằng việc Washington theo dõi các cuộc gọi điện thoại và mạng lưới thông tin liên lạc từ Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta là không thể chấp nhận được và chắc chắn không nằm trong tinh thần quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết họ đang chờ một lời giải thích rõ ràng từ phía Mỹ về những thông tin mới được tiết lộ trên.
TTXVN/Tin tức