Quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh tại Syria đã kiểm soát một khu vực rộng lớn và chiến lược tại phía Đông Syria, nơi phần lớn tàn quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật.
Binh lính Mỹ tại Syria. Ảnh: Getty Images |
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên ngày 4/4 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp thuận để binh sĩ Mỹ hiện diện tại Syria thêm một thời gian để đánh bại IS nhưng ông vẫn giữ quan điểm rút quân nhân về nước sớm.
Đài BBC (Anh) cho rằng bất chấp những kết quả tích cực từ chiến dịch chống IS, việc dừng hoạt động của quân đội Mỹ tại Syria sẽ không thể nhanh chóng như Tổng thống Trump mong muốn. Tàn quân IS vẫn giữ tham vọng trỗi dậy.
Điều cốt yếu là đối tác bản địa chiến lược của Mỹ là người Kurd đã từ bỏ cuộc chiến với nhóm khủng bố IS để quay sang hỗ trợ đồng hữu của họ tại các khu vực khác ở Syria đang bị tấn công bởi Thổ Nhĩ Kỳ.
Lầu Năm Góc lo ngại rằng việc toàn bộ binh sĩ Mỹ rút lui khỏi Syria sẽ để lại khoảng trống nguy hiểm. Điều này có thể gây trở ngại tới chiến thuật của chính quyền Mỹ ổn định khu vực từng xảy ra giao tranh nhằm ngăn IS quay trở lại và tạo điều kiện cho người dân trở về nhà của họ. Cả Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều đồng tình với chiến thuật này.
Đài BBC cho rằng Mỹ thoái lui khỏi Syria cũng tạo điều kiện để Iran mở rộng ảnh hưởng tại Syria và trong khu vực. Điều này đồng thời khiến Tel Aviv quan ngại bởi viễn cảnh quân đội Iran hiện diện tại Syria – đất nước có chung biên giới với Israel. Không chỉ riêng Israel, cả Saudi Arabia cũng không hào hứng với viễn cảnh này.
Nhà khoa học chính trị Baris Doster tại Đại học Marmara (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng khá băn khoăn về chủ trương rút quân của Tổng thống Trump. Theo ông Doster, Mỹ đã đầu tư khá mạnh tay cho nhóm Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đồng thời thành lập nhiều căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria. Do vậy, ông Doster nhận định khó có khả năng Washington rẽ rút khỏi Syria sớm.
Chủ trương sớm rút quân khỏi Syria dường như phần nào phản ánh được phương thức chung Tổng thống Trump áp dụng với chính sách đối ngoại đó là ngắn hạn và tập trung vào điều có thể đạt được trong thời điểm hiện tại thay vì chiến thuật toàn diện để xử lý các tình huống phức tạp.
Ngoại trưởng vừa bị thay thế của Mỹ Rex Tillerson được đánh giá là cá nhân có tầm nhìn dài hạn khá tốt. Trước khi bị sa thải, ông Tillerson từng nêu bật lý do quân đội Mỹ cần duy trì tại Syria, thậm chí sau khi IS bị đánh bại.
Giới quan sát cho rằng chủ trương của Tổng thống Trump là một chuyện, nhưng trên thực tế Mỹ sẽ khó rút quân sớm khỏi Syria vì điều kiện thực tế chưa cho phép, lực cản ở trong nước và nhất là sức ép của các đồng minh khu vực.