Philippines sẽ cho phép Mỹ xây dựng cơ sở hạ tầng tại các căn cứ quân sự của nước này, dựa trên một thỏa thuận có thể thúc đẩy sự hiện diện của lính Mỹ ở Philippines trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông.Tuy nhiên, Philippines vẫn lo ngại về mức độ mà Mỹ được tiếp cận tại các căn cứ quân sự của nước này. Do vậy, hai nước sẽ tổ chức đàm phán sâu hơn ngay trong tháng 3 để hoàn tất thỏa thuận. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino phát biểu trong một cuộc báo ở Manila: “Có thể tin tưởng để nói rằng chúng tôi đã có được đồng thuận”.
Tập trận chung giữa hải quân Mỹ và Philippines. |
Tổng thống Philippines Benigno Aquino trước đó cũng phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/2
rằng Manila đang tiến rất gần tới việc kết thúc thỏa thuận với Washington. Các nhà
đàm phán muốn hoàn tất thỏa thuận trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama
thăm Philippines vào tháng 4.
Những cuộc đàm phán nói trên diễn ra trong thời điểm tranh chấp chủ quyền về các bãi cạn giàu tài nguyên trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đang leo thang. Philippines, một đồng minh của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, tỏ ra thiếu tiềm lực quân sự để đối đầu với Trung Quốc trong các tranh chấp ở những vùng biển giàu trữ lượng dầu khí và hải sản. Nước này đã phải nhờ đến tòa án quốc tế để phân xử nhưng quá trình này bị Trung Quốc từ chối.
Hôm 24/2, quân đội Philippines từng cáo buộc, trong tháng 1 các tàu Trung Quốc đã sử dụng súng cối để xua đuổi tàu đánh cá Philippines rời khỏi bãi cạn Scarborough. Mới đây, ngày 10/3, Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết Trung Quốc đã đe dọa 2 tàu của nước này tới gần khu vực bãi cạn Second Thomas.
Giám đốc Viện cải cách chính trị và bầu cử tại Manila cho biết: “Thỏa thuận quốc phòng sẽ phát đi một tín hiệu mạnh mẽ với Trung Quốc rằng Mỹ đang đứng về phía chúng tôi. Thỏa thuận có thể cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn với căn cứ quân sự Philippines, điều này cũng đem lại lợi ích cho Mỹ trong chiến lược xoay trục sang châu Á”.
Các cơ sở hạ tầng của Mỹ xây dựng trong căn cứ của Philippines sẽ được sử dụng cho mục đích chung, ông Batino cho biết. “Các đàm phán kiểu này rất linh hoạt và chúng tôi không có thời gian biểu cụ thể khi nào sẽ kết thúc”.
J. Eduardo Malaya là thành viên của đoàn đàm phán Philippines và là Đại sứ Philippines tại Manila phát biểu họp báo khẳng định, đảm bảo an ninh cho các cơ sở của Mỹ tại Philippines là phần việc còn lại mà các bên cần phải giải quyết.
Theo thông tin từ quân đội Philippines, Mỹ chấm dứt sự hiện diện thường trực tại nước này sau khi hợp đồng thuê căn cứ quân sự ở vịnh Subic chấm dứt năm 1991. Lầu Năm góc luân chuyển 500 quân tới miền nam Philippines mỗi năm để hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố và hàng năm Mỹ cũng điều 6.500 lính tới Philippines để tập trận.
Đức Trung(Theo Bloomberg)