Nhà Trắng đã phê chuẩn kế hoạch của Lầu Năm Góc về sử dụng lực lượng Mỹ đồn trú ở Ba Lan để hỗ trợ hàng nghìn công dân Mỹ rời Ukraine trong trường hợp nổ ra chiến sự ở quốc gia láng giềng này. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhằm tránh lặp lại một vụ sơ tán đầy hỗn loạn như từng diễn ra tại Afghanistan hồi tháng 8/2021.
Giới chức Nhà Trắng cho biết khoảng 1.700 binh sĩ Mỹ thuộc Quân đoàn dù số 18 vừa được điều tới Ba Lan tuần qua. Số này trong vài ngày tới sẽ triển khai nhiệm vụ xây dựng trạm kiểm soát, lều trại và các cơ sở thiết yếu dã chiến để sẵn sàng đón dòng người rời khỏi Ukraine trong tình huống nổ ra xung đột. Quân Mỹ không được phép tiến vào Ukraine và sẽ không thực hiện việc di tản công dân Mỹ bằng máy bay từ bên trong lãnh thổ Ukraine.
Thay vào đó, nhiệm vụ của binh sĩ Mỹ là chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ hậu cần, điều phối hoạt động sơ tán công dân Mỹ tại Ba Lan sau khi vượt khỏi biên giới Ukraine bằng đường bộ. Khoảng 30.000 công dân Mỹ đang có mặt ở Ukraine và nếu Nga phát động chiến dịch quân sự, không chỉ người Mỹ mà cả người Ukraine, cũng như công dân các nước khác, sẽ nhanh chóng tìm cách rời khỏi Ukraine.
Giới chức Lầu Năm Góc cho biết một nguyên nhân quan trọng dẫn tới quyết định lập kế hoạch sơ tán người Mỹ khỏi Ukraine là do những ký ức về đợt sơ tán công dân Mỹ và các nước đầy bất ổn ở Afghanistan mới đây sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul hồi giữa tháng 8/2021. Số sĩ quan chỉ huy từng đảm nhận vai trò lãnh trong sứ mệnh sơ tán khỏi Kabul cũng chính là người thực hiện kế hoạch tương tự ở Ukraine.
“Bất kỳ ai trải qua quãng thời gian sơ tán công dân khỏi Afghanistan đều nhận thấy rằng đó là thời điểm đáng nhớ, nhưng cũng đầy náo loạn. Đó là một cuộc rút quân rất lộn xộn. Chúng tôi không muốn lặp lại một đợt sơ tán bất ổn tương tự ở Ukraine”, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Tại Afghanistan, chính quyền Mỹ đã phải vội vã đối phó việc Taliban giành chính quyền chỉ trong thời gian ngắn sau khi quân đội Kabul được Mỹ hậu thuẫn nhanh chóng tan rã. Lính Mỹ ngay lập tức được điều tới thủ đô Kabul để hỗ trợ sơ tán hàng chục nghìn công dân Mỹ cùng nhân viên ngoại giao khỏi Afghanistan.
Nhà Trắng bác bỏ những nhận định so sánh tình hình Ukraine với Afghanistan. "Tôi nghĩ cần tách bạch hai quốc gia. Chúng ta không tham gia cuộc chiến dài 20 năm với lực lượng đồn trú tại Ukraine. Tình hình rất khác biệt. Nhà Trắng vẫn phối hợp chặt chẽ với các nhóm của Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki phát biểu hôm 8/2.
Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận về kế hoạch của Lầu Năm Góc, nhưng tiếp tục khuyến cáo người Mỹ sớm rời khỏi nước Ukraine. Trước đó, Washington cũng đã cho phép một số nhân viên Đại sứ quán Mỹ cùng người thân ở Kiev rút khỏi Ukraine, vạch ra tuyến đường bộ từ Ukraine đến Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova.
Chuẩn bị công tác sơ tán là một trong những nhiệm vụ tiềm tàng mà lực lượng quân sự Mỹ mới được điều động sang các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi tuần trước. Bên cạnh số binh sĩ thuộc Sư đoàn không quân số 82 được điều tới Ba Lan, Quân đoàn dù số 18 của Mỹ cũng đang thiết lập sở chỉ huy đặc biệt tại Đức.
Quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây. Washington không ngừng cáo buộc Điện Kremlin đang chuẩn bị một kế hoạch xâm lược Ukraine, khi triển khai hơn 100.000 binh sĩ cùng nhiều khí tài dọc biên giới hai nước. Nga cũng tổ chức tập trận chung với Belarus - quốc gia tiếp giáp phía bắc Ukraine.
Về phần mình, Nga phủ nhận mọi cáo buộc can thiệp quân sự ở nước láng giềng, chỉ trích phương Tây đang mở cuộc chiến tranh thông tin liên quan đến Ukraine. Moskva cũng liên tục lặp lại yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine làm thành viên, cũng như không mở rộng liên minh về phía đông áp sát Nga, gây đe dọa đến lợi ích cốt lõi của Nga.