Trong một bước đi nhằm khích lệ Iran tiếp tục có những nhượng bộ trong tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân, ngày 20/1, Mỹ và EU thông báo sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế chống quốc gia Hồi giáo này.Các điều tra viên IAEA (thứ hai và ba, trái) và các kỹ thuật viên Iran tháo dỡ kết nối giữa hai tháp chứa hạt nhân làm giàu cấp độ 20% ở nhà máy Natanz ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu trước báo giới ngày 20/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết nhằm đáp lại việc Iran bắt đầu thực hiện các bước đi cụ thể để kiềm chế chương trình hạt nhân gây tranh cãi, Ngoại trưởng John Kerry đã chính thức thông qua một văn kiện nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước CH Hồi giáo này, trong đó bao gồm tạm ngưng hạn chế lĩnh vực xuất khẩu đối với ngành công nghiệp hóa dầu cũng như lĩnh vực ôtô, vàng và các kim loại quý hiếm khác của Iran.
Mặc dù thừa nhận các cuộc đàm phán tiếp theo để có thể đạt được một thỏa thuận hạt nhân toàn diện sẽ rất phức tạp và khó khăn, song bà Psaki khẳng định Washington vẫn duy trì nỗ lực giải quyết vấn đề này thông qua con đường ngoại giao.
Trong khi đó, thông báo của người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nhấn mạnh việc Iran bắt đầu hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm nhất là bước đi quan trọng cho thấy lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua, quốc gia này đã có các biện pháp được kiểm chứng nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Ông Carney cũng hoan nghênh việc Tehran đã cung cấp cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) những thông tin ngày càng minh bạch về chương trình hạt nhân của mình thông qua các cuộc thanh sát thường xuyên và sâu rộng hơn. Theo ông, các bước đi này cụ thể này là một bước tiến quan trọng theo hướng thực hiện thỏa thuận mang tính bước ngoặt ký kết hồi cuối năm ngoái giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức).
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ra quyết định tạm ngừng các biện pháp cấm vận nhất định đối với Iran trong vòng 6 tháng sau khi Tehran bắt đầu thực thi thỏa thuận hạt nhân sơ bộ đạt được hồi tháng 11 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này.
Cũng giống Mỹ, EU sẽ bãi bỏ lệnh cấm các giao dịch tài chính với Iran, đầu tư vào công nghiệp hóa dầu, bảo hiểm cho các tàu chở dầu và nối lại buôn bán đá quý và kim loại với nước này cũng như cam kết sẽ không áp đặt thêm các đòn trừng phạt mới trong 6 tháng tới.
Trao đổi với báo giới, Ngoại trưởng Anh William Hague nhấn mạnh động thái trên của EU đánh dấu một "mốc quan trọng", cho thấy liên minh này tuân thủ đầy đủ các điều khoản đạt được trong thỏa thuận hạt nhân sơ bộ. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Anh cảnh báo EU vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt khách để tiếp tục gây sức ép đối với Iran nhằm tiến tới một thỏa thuận cuối cùng và toàn diện về vấn đề hạt nhân.
Quyết định của chính quyền Tổng thống Barack Obama và EU được đưa ra sau khi IAEA ngày 20/1 xác nhận Iran đã dừng các hoạt động làm giàu urani ở cấp độ 20% tại một cơ sở ở miền Trung nước này, theo đó nước CH Hồi giáo đã cho tháo dỡ hai hai lò hạt nhân tại Natanz và 4 lò tại Fordow chuyên để làm giàu urani 20% dưới sự giám sát của các chuyên gia IAEA. Cơ quan này miêu tả đây là một trong những bước đi quan trọng mà các thanh sát viên của IAEA đã có được để kiểm chứng việc thực thi đầy đủ những cam kết của Iran theo thỏa thuận lịch sử đạt được với các cường quốc hồi tháng 11 năm ngoái.
Trong khi các nước phương Tây đồng loạt thông báo nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran, Canada cùng ngày tuyên bố nước này sẽ duy trì các lệnh trừng phạt đối với Iran cho đến khi các bên đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Phát biểu tại Quốc hội Israel, Thủ tướng Canada Stephen Harper khẳng định Ottawa vẫn sẽ tiếp tục "triển khai và thực thi đầy đủ" các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời bày tỏ hy vọng Tehran có thể chấm dứt hoàn toàn việc chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ không thể ngăn cản được nước này tiếp tục theo đuổi nỗ lực phát triển tiềm lực hạt nhân quân sự.
TTXVN/Tin tức