Báo cáo mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/6 cho thấy GDP giảm 1,6% trong quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức suy giảm này sâu hơn so với mức 1,4% mà cơ quan này công bố dữ liệu ước tính sơ bộ hồi tháng 4. Quý I/2022 cũng là quý đầu tiên GDP Mỹ giảm kể từ quý II/2020 khi nước Mỹ chìm sâu vào nguy cơ suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. GDP quý đầu năm 2022 của Mỹ cũng giảm sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng 6,9% trong 3 tháng cuối năm 2021.
Các chuyên gia dự báo hoạt động kinh tế Mỹ sẽ còn chậm lại khi Ngân hàng dự trữ liên bang (FED) tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đồng thời thận trọng theo dõi những dấu hiệu về nguy cơ suy thoái (ghi nhận GDP suy giảm 2 quý liên tiếp) đang manh nha.
Cùng ngày, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) Carmen Reinhart bày tỏ hoài nghi về khả năng kinh tế Mỹ và toàn cầu có thể tránh được nguy cơ suy thoái trong bối cảnh lạm phát leo thang, lãi suất tăng và nền kinh tế thứ 2 thế giới là Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Bà Reinhart nghi ngờ về khả năng Mỹ có thể tránh được kịch bản suy thoái kinh tế khi lạm phát hiện nay đã lên đến mức 8,5%. Bà cho biết trong lịch sử việc vừa có thể giảm lạm phát vừa giảm thiểu tổn hại tới tăng trường kinh tế luôn là nhiệm vụ khó khăn, các nguy cơ suy thoái kinh tế hiện đang là chủ đề nóng. Mọi nguy cơ đều đang rình rập đưa nền kinh tế toàn cầu về ngưỡng suy thoái, từ các yếu tố bất ổn cho đến chính sách tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, trong đó có FED, sau hơn một thập kỷ áp dụng chính sách tiền tệ siêu lỏng và lãi suất âm. Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 ảnh hưởng hầu các nền kinh tế thì Trung Quốc khi đó vẫn trở thành động lực tăng trưởng lớn của kinh tế toàn cầu nhưng trong cuộc khủng hoảng lần này, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện đã giảm xuống mức 1 con số.
Trong tháng 6 này, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 2,9% trong năm 2022, cảnh báo xung đột tại Ukraine càng làm tăng thêm bất ổn và khó khăn vốn đã kéo dài trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, nhiều nước đã bắt đầu đối mặt với suy thoái.