Cơ chế trừng phạt đặc biệt này có hiệu lực từ ngày 25/2/2011 theo một sắc lệnh hành pháp được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký, và phải được gia hạn hằng năm.
Trong bức thư gửi Quốc hội Mỹ trước khi đưa ra quyết định trên, Tổng thống Trump cho rằng tình hình Libya vẫn tạo ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia cũng như chính sách đối ngoại của Mỹ.
Ông Trump khẳng định Washington cần phải chống lại nguy cơ thất thoát tài sản hoặc những hành vi gây cản trở quá trình hòa giải quốc gia ở Libya. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cảnh báo về âm mưu lợi dụng các nguồn lực của Libya nhằm kéo dài cuộc nội chiến hoặc hỗ trợ cho các nhóm khủng bố, chẳng hạn như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, trong suốt 8 năm qua, Libya liên tục chìm trong chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang.
Hiện ở quốc gia này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA), được Liên hợp quốc ủng hộ, hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
Bất chấp việc ký kết thỏa thuận chính trị do LHQ bảo trợ vào cuối năm 2015, Libya vẫn chưa thể đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ. GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.