Theo một quan chức giấu tên, Iraq đã mua khí đốt và điện từ Iran để bù đắp cho sản lượng của khoảng 30% ngành năng lượng của nước này, vốn hệ thống cơ sở hạ tầng bị hư hại sau nhiều năm xung đột và bảo trì kém, không thể đáp ứng nhu cầu của khoảng 40 triệu người dân.
Cuối năm 2018, Mỹ đã đưa ngành năng lượng của Iran vào "danh sách đen" khi tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nước CH Hồi giáo. Tuy nhiên, Mỹ đã miễn trừ tạm thời đối với Iraq với hy vọng nước này sẽ giảm sự phụ thuộc vào ngành năng lượng của Iran thông qua việc hợp tác với các công ty Mỹ. Kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran vào cuối năm 2018, Washington tiếp tục gia hạn thời gian miễn trừ cho Baghdad nhằm tìm các nhà cung cấp khác.
Tháng 1 vừa qua, chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã miễn trừ các biện pháp trừng phạt đối với Iraq, và chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden cũng đã gia hạn biện pháp này thêm 4 tháng. Quyết định mới nhất được đưa ra trước thềm "cuộc đối thoại chiến lược" giữa Mỹ và Iraq, dự kiến diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 7/4.
Iraq mong muốn giải quyết vấn đề năng lượng vào trước mùa hè, trong khi Iran đã đề nghị Baghdad chi trả gần 6 tỷ USD tiền khí đốt chưa thanh toán. Mỹ cho phép Iraq có được nguồn cung năng lượng từ nước láng giềng, nhưng đã ngăn nước này thanh toán cho Iran bằng đồng USD liên quan tới các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, các nguồn an ninh phương Tây và Iraq cho biết Mỹ đã "bật đèn xanh" cho giới chức Iraq trả tiền nhập khẩu khí đốt của Iran thông qua tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ.