Mỹ gia tăng sức ép, ngăn chặn việc Iran cung cấp máy bay không người lái cho Nga

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát động một nỗ lực rộng lớn nhằm ngăn chặn khả năng sản xuất và cung cấp máy bay không người lái của Iran cho Nga để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Trong khi đó, các quan chức phương Tây tin rằng Iran và Nga đang xây dựng một liên minh "tiện lợi" mới.

  

Chú thích ảnh
Lực lượng cứu hộ rà soát đống đổ nát của một tòa nhà dân cư ở Kiev bị máy bay không người lái Nga tấn công. Ảnh: New York Times

Đây là một nỗ lực mạnh mẽ tạo sức bật đối với chương trình kéo dài nhiều năm qua của Mỹ nhằm cắt đứt khả năng tiếp cận công nghệ hạt nhân của Tehran.

Trong các cuộc phỏng vấn của phóng viên New York Times ở Mỹ, châu Âu và Trung Đông, một loạt các quan chức tình báo, quân sự và an ninh quốc gia đã mô tả một chương trình mở rộng của Mỹ nhằm mục đích bóp nghẹt khả năng sản xuất máy bay không người lái của Iran, chặn nguồn cung UAV tự sát cho Nga, đồng thời cung cấp cho người Ukraine khả năng phòng thủ cần thiết để bắn hạ UAV trên bầu trời.

Bề rộng của nỗ lực trên đã trở nên rõ ràng hơn trong những tuần gần đây. Chính quyền Mỹ đã đẩy nhanh các động thái nhằm ngăn các linh kiện do phương Tây sản xuất đến tay Iran để sản xuất máy bay không người lái, sau khi việc kiểm tra những chiếc UAV bị bắn hạ ở Ukraine cho thấy rõ ràng chúng được ứng dụng công nghệ của Mỹ.

Các lực lượng Mỹ hiện đang giúp quân đội Ukraine nhắm mục tiêu vào các địa điểm chuẩn bị phóng máy bay không người lái - một nhiệm vụ khó khăn vì người Nga đang rất cơ động di chuyển các địa điểm phóng, từ sân bóng đến bãi đậu xe. Phía Mỹ cũng đang gấp rút áp dụng các công nghệ mới được thiết kế để đưa ra cảnh báo sớm về các đàn máy bay không người lái đang đến gần, nhằm cải thiện cơ hội của Ukraine trong việc tiêu diệt chúng, bằng các loại vũ khí từ súng cho đến tên lửa.

Chú thích ảnh
Chương trình máy bay không người lái của Iran đã chậm lại trong những năm gần đây. Ảnh: Iranian Army Office 

Nhưng cả ba cách tiếp cận trên đều gặp phải những thách thức lớn, và nỗ lực ngăn Iran tiếp cận các linh kiện quan trọng của máy bay không người lái đã gặp khó khăn, tương tự như nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm tước đoạt các bộ phận cần thiết của Iran để chế tạo máy ly tâm để làm giàu uranium gần cấp độ vũ khí.

Các quan chức tình báo Mỹ cho biết trong những tuần gần đây rằng, người Iran đang áp dụng kinh nghiệm tìm kiếm công nghệ lưỡng dụng trên thị trường chợ đen của chương trình sản xuất máy ly tâm hạt nhân, để phục vụ sản xuất máy bay không người lái.

Hồi đầu tháng 11, Iran lần đầu tiên thừa nhận việc bàn giao máy bay không người lái quân sự cho Nga. Tuy nhiên, nước này khẳng định các lô hàng đã được hoàn tất trước khi xung đột Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2. Tehran cũng bác bỏ cáo buộc cung cấp tên lửa cho Moskva.

Nỗ lực mạnh mẽ của Washington nhằm đối phó với các UAVđược cho là do Iran cung cấp diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột Ukraine, khi Kiev cũng đang sử dụng các UAV của riêng mình để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, bao gồm cả cuộc tấn công trong tuần này nhằm vào một căn cứ Nga có các máy bay ném bom chiến lược.

Chương trình cũng diễn ra khi các quan chức ở Washington và London cảnh báo rằng Iran có thể sắp cung cấp tên lửa cho Nga, giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng của Moskva – theo đánh giá của phương Tây.

Các quan chức phương Tây nói rằng họ tin rằng Iran và Nga đang xây dựng một liên minh "tiện lợi" mới. Một quan chức quân sự cấp cao nói rằng quan hệ đối tác Moskva – Tehran đã nhanh chóng trở nên sâu sắc hơn sau khi Iran đồng ý cung cấp máy bay không người lái cho Nga vào mùa hè năm ngoái.

Chú thích ảnh
Iran thừa nhận đã cung cấp máy bay không người lái cho Nga trước khi xung đột bùng phát. vào tháng 2/2022. Ảnh: Getty Imagaes

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã từ bỏ hy vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran và đã liên tục bổ sung các biện pháp trừng phạt mới.

Trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, các cố vấn của ông Biden cũng đang vận động một đồng minh lâu đời của Mỹ có “mối thù” với chương trình hạt nhân của Iran, là Israel.

Trong cuộc họp video bảo mật trong tuần trước với các quan chức an ninh quốc gia, quân đội và tình báo hàng đầu của Israel, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan “đã thảo luận về mối quan hệ quân sự ngày càng tăng của Iran với Nga, bao gồm cả việc chuyển giao vũ khí mà Kremlin đang triển khai chống lại Ukraine và việc Nga cung cấp công nghệ quân sự cho Iran” – theo thông tin tóm tắt được Nhà Trắng cho biết.

Israel và Mỹ có lịch sử hợp tác lâu dài trong việc đối phó với các mối đe dọa công nghệ từ Tehran. Họ đã cùng nhau phát triển một trong những cuộc tấn công mạng phức tạp và nổi tiếng nhất thế giới, sử dụng mã máy tính mà sau này được gọi là “Stuxnet” để tấn công các cơ sở máy ly tâm hạt nhân của Iran. Kể từ đó, Israel ít giữ bí mật về những nỗ lực phá hoại các cơ sở làm giàu hạt nhân của Tehran.

Trong một tuyên bố, Adrienne Watson, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, đã thừa nhận phạm vi của nỗ lực rộng lớn chống lại chương trình máy bay không người lái của Iran. “Chúng tôi đang tìm cách nhắm mục tiêu vào sản xuất UAV thông qua các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu và thương lượng với các công ty tư nhân có linh kiện được sử dụng trong quá trình sản xuất”.

Chú thích ảnh
UAV bị bắn rơi ở Ukraine được phát hiện sử dụng các linh kiện của phương Tây. Ảnh: AP

Mối quan tâm của Iran đối với máy bay không người lái đã có từ hơn ba thập kỷ trước, khi nước này tìm cách theo dõi các tàu ở Vịnh Ba Tư. Mohajer I, tiền thân của một trong những máy bay không người lái hiện đang được cung cấp cho Nga, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1986.

Tiến độ của chương trình UAV tại Iran diễn ra chậm, nhưng có thể đã được hỗ trợ vào năm 2011 khi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) triển khai một chiếc RQ-170 tàng hình, không trang bị vũ khí từ Afghanistan bay qua Iran, trong một nỗ lực dường như nhằm lập bản đồ các đường hầm của Iran.

Một trục trặc đã khiến máy bay hạ cánh xuống sa mạc và Tổng thống Obama đã cân nhắc việc gửi một đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân tới nơi để cho nổ tung máy bay. Nhưng cuối cùng ông đã quyết định không mạo hiểm và chỉ trong vài ngày, người Iran đã diễu chiếc UAV Mỹ qua các đường phố ở Tehran.

Mãi đến năm 2016, Iran mới tuyên bố công khai bắt đầu phát triển máy bay không người lái tấn công, có hợp tác với Nga.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Sau Ukraine, cuộc chiến thứ hai ở châu Âu có thể bùng lên ở Kosovo
Sau Ukraine, cuộc chiến thứ hai ở châu Âu có thể bùng lên ở Kosovo

Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp tròn một năm, một điểm nóng khác ở châu Âu có nguy cơ châm ngòi lại một cuộc chiến tranh thứ hai trên châu lục này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN