Mỹ giật dây biểu tình ‘triệu người’ ở Brazil để phá hoại BRICS?

Các cuộc biểu tình quy mô lớn đến hơn một triệu người đã nổ ra tại 85 thành phố, thị trấn ở Brazil hôm 15/3. Tại San Paulo, hơn 200.000 người đổ ra đường với khẩu hiệu “Loại bỏ Tổng thống Dilma”. Điều gì đã tập hợp được một lượng lớn người biểu tình đồng loạt cả nước, để chống lại một đảng cầm quyền đã giúp nâng cao cuộc sống cho người dân?

Rất có thể CIA đã nhúng tay vào kế hoạch kích động biểu tình. Trong vài năm gần đây, Nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi (BRICS) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành thách thức đối với Mỹ cũng như đế chế đồng USD.

Tổng thống Dilma Rousseff - cái gai trong mắt người Mỹ? Ảnh: AP


Washington đã và đang tìm cách triệt hạ, dồn ép nước Nga qua cuộc khủng hoảng Ukraine, với việc áp đặt các lệnh cấm vận, tạo khủng hoảng về giá dầu. Họ cũng tìm cách gây mất ổn định ở Trung Quốc thông qua cuộc “cách mạng ô” ở Hong Kong. Còn tại Brazil, chính quyền Mỹ tìm mọi cách áp dụng kịch bản “mùa xuân Mỹ Latinh” như những gì diễn ra ở Argentina và Venezuela.

20 tổ chức xã hội đã kêu gọi, huy động người biểu tình đổ ra các đường phố ở Brazil, phản đối Đảng Lao động (PT) và lãnh đạo đảng này - Tổng thống Dilma Rousseff. Một số nghị sĩ đối lập như Aloysio Nunes Ferreira thậm chí còn tuyên bố đầy quá khích rằng việc buộc bà Dilma từ nhiệm là chưa đủ, phải gây đổ máu.

Lý do Washington muốn phế truất nhà lãnh đạo Brazil cũng dễ hiểu: Bà Dilma là người đã ký kết các hiệp định về tăng cường liên kết giữa các thành viên Nhóm BRICS, nổi bật là Thỏa thuận thiết lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB), với số vốn ban đầu 100 tỉ USD. Bà đồng thời cũng là người ủng hộ việc thiết lập một đồng tiền dự trữ quốc tế mới. Chính vị nữ Tổng thống này là người đã cấm cửa các công ty khai khoáng, dầu lửa Mỹ trở lại thị trường dầu mỏ, khí đốt của Brazil.

Tháng 5/2013, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Brazil trong một nỗ lực thuyết phục Tổng thống Dilma cho phép các công ty Mỹ tham gia các dự án thăm dò, khai thác dầu khí, thế nhưng ông đã buộc phải về nước trắng tay. Kể từ đây, làn sóng biểu tình nổ ra trên khắp Brazil, dựa trên nhiều cớ: Phản đối chính quyền lãng phí quá lớn trong việc tổ chức kì World Cup 2014, các chương trình y tế, phúc lợi xã hội không đạt hiệu quả… Nhiều tin đồn bất lợi cho Tổng thống Dilma cũng được “bung ra”: Bà bị cáo buộc có dính líu đến vụ scandal liên quan đến Tập đoàn dầu khí nhà nước Petrobras, nhận tiền hoa hồng trong các hợp đồng của tập đoàn và dùng tiền đó để mua phiếu bầu.

Dòng người biểu tình tại Rio de Janeiro hôm 15/3. Ảnh: AFP


Kế hoạch loại bỏ bà Dilma sau đó chút nữa thành công tại cuộc bầu cử hồi tháng 10/2014, khi ứng cử viên Aecio Neves thuộc đảng Xã hội Dân chủ (PSDB) đối lập có cơ hội trúng cử. Nếu Neves được chọn, tân Bộ trưởng tài chính của Brazil dự kiến sẽ là Arminio Fraga Neto – người mang cả quốc tịch Mỹ, bạn thân của trùm tài phiệt George Soros; còn Bộ trưởng Ngoại giao dự kiến sẽ là Rubens Antonio Barbosa, cựu Đại sứ tại Washington, người hiện đang là Giám đốc quỹ ASG ở Sao Paulo. Đáng chú ý, Quỹ này do cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright, một nhân vật được cho là phát kiến ra “cách mạng sắc màu”. Một thủ lĩnh của PSDB từng hứa trước cuộc bầu cử rằng, đảng này sẽ bảo vệ tập đoàn Chevron (Mỹ) nếu thắng cử. Tuy nhiên, điều đó đã không thành, khi bà Dilma đã thắng cử trong lần bỏ phiếu thứ 2.

Thế nhưng Mỹ vẫn không dừng lại. Các nhân viên CIA, DEA, FBI vẫn hoạt động tại Brazil dưới vỏ bọc được hợp pháp hóa là chống buôn lậu ma túy. Các tổ chức phi chính phủ (NGO), các quỹ vẫn tiếp tục tài trợ cho các dự án thúc đẩy cách mạng sắc màu trên khắp đất nước. Nhà báo Jose Vicente Rangel người Venezuela cho biết, có khoảng 500 nhân viên tình báo Mỹ đã được tăng cường tới các đại sứ quán của nước này Venezuela, Bolivia, Argentina, Brazil, Ecuador và Cuba dưới hình thức các mạng lưới, với nhiệm vụ gây bất ổn, tiến đến thay đổi thể chế.


Hoài Thanh (Theo Pravda)

Vụ bê bối Petrobras - quả bom tấn trên chính trường Brazil
Vụ bê bối Petrobras - quả bom tấn trên chính trường Brazil

Tổng chưởng lý Brazil Rodrigo Janot đã yêu cầu Tòa án Tối cao Liên bang điều tra 54 chính trị gia tình nghi liên quan tới vụ tham nhũng của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN