Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 21/3 cho biết Mỹ đang chuyển một số thiết bị phòng không do Liên Xô chế tạo mà Lầu Năm Góc bí mật có được từ nhiều thập kỉ trước đây. Trong số này có tên lửa phòng không được NATO định danh là SA-8, do Liên Xô nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường từ những năm 1970. SA-8 là vũ khí quen thuộc đối với quân đội Ukraine, nước cũng được thừa hưởng tên lửa này sau khi Liên Xô sụp đổ.
Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận trước yêu cầu của WSJ đề nghị xác nhận thông tin Mỹ sử dụng vũ khí của Liên Xô có trong kho để chuyển giao cho Ukraine.
Trong nhiều thập kỉ qua, Mỹ đã sở hữu một số lượng nhỏ hệ thống phòng thủ tên lửa của Liên Xô. Mục đích là để các chuyên gia tình báo Mỹ nghiên cứu, mổ xẻ nhằm hỗ trợ công tác huấn luyện cho quân đội Mỹ.
Những nỗ lực bí mật này lần đầu tiên được lộ ra vào năm 1994, khi một máy bay vận tải do Liên Xô chế tạo xuất hiện tại sân bay Huntsville, bang Alabama mà chỉ cần đứng trên đường cao tốc gần đó cũng có thể quan sát được bằng mắt thường. Tin tức sau đó khẳng định máy bay chở một hệ thống phòng thủ S-300 Mỹ mua được từ Belarus, thông qua một dự án bí mật do một nhà thầu của Lầu Năm góc thực hiện với chi phí lên tới 100 triệu USD.
S-300, được NATO định danh là SA-10, là tổ hợp tên lửa phòng thủ tầm xa hiện đại, nhằm bảo vệ một khu vực trận địa rộng lớn hơn, với bán kính rộng hơn. SA-8 là hệ thống phòng không chiến thuật tầm ngắn, được thiết kế để tích hợp với lực lượng mặt đất, tạo ra hỏa lực chống máy bay, trực thăng đối phương. Dù tầm bắn ngắn hơn, nhưng SA-8 lại có ưu thế về tính cơ động cao, dễ dàng ẩn náu.
Một số chủng loại vũ khí thời Liên Xô hiện vẫn được lưu giữ tại kho Redstone ở Alabama. Trên webiste, Redstone tự giới thiệu mình là “Trung tâm lục quân Mỹ về chương trình tên lửa và rocket”. Một quan chức ẩn danh cho biết có vũ khí tại kho này được chuyển giao cho Ukraine, nhưng trong đó không có S-300 từ Belarus.
Dự luật chi tiêu trị giá hơn 1.500 tỉ USD mới được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Joe Biden ký ban hành thành luật có đề cập đến việc Bộ Quốc phòng nước này được quyền chuyển giao cho quân đội Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) máy bay, đạn dược, xe chiến đấu và các thiết bị quân sự khác đang triển khai ở nước ngoài hoặc nằm trong kho của Mỹ. Giới chức Mỹ cho biết hệ thống phòng không có từ thời Liên Xô thuộc phạm vi điều chỉnh của đạo luật và Quốc hội Mỹ đã được thông báo về quyết định của Lầu Năm Góc chuyển vũ khí này tới Ukraine.
Ukraine hiện cũng sở hữu một số hệ thống phòng không do Liên Xô và Nga chế tạo, trong đó có S-300. Tuy nhiên, quân đội nước này cần được bổ sung nhiều hơn những hệ thống phòng thủ tầm trung và tầm xa như vậy để có thể đánh chặn máy bay, tên lửa của Nga. Tên lửa phòng không vác vai Stinger mà Mỹ và nhiều nước NATO viện trợ cho Ukraine chỉ phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn, tiêu diệt máy bay trực thăng, máy bay quân sự tầm thấp.
Mỹ kỳ vọng việc bổ sung những hệ thống phòng thủ như S-300 sẽ giúp Ukraine tự tạo ra được “vùng cấm bay” trên thực tế đối với không phận của nước này, sau khi Nhà Trắng và NATO liên tiếp bác bỏ yêu cầu của Kiev về lập vùng cấm bay. Mỹ và phương Tây lo ngại một hành động như vậy sẽ có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp giữa NATO với Nga.
Tổng thống Biden sẽ có chuyến công du tới Brussels trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, thảo luận về các nỗ lực “răn đe và phòng thủ” hỗ trợ Ukraine. Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Secretary Lloyd Austin gần đây cũng lần lượt tới thăm các nước ở sườn đông NATO, tham vấn, tìm kiếm cách thức để tăng cường chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Ukraine.
Bộ trưởng Austin tuần trước đã tới Slovakia, nhằm thăm do khả năng chuyển giao một tổ hợp S-300 của Slovakia cho Ukraine. Slovakia cho biết sẵn sàng làm vậy nếu như Mỹ cung cấp một hệ thống tương ứng thay thế. Nhưng chưa có thỏa thuận cuối cùng nào về kế hoạch này.