Khi Tổng thống Barack Obama bí mật cho phép Cục Tình báo Trung ương (CIA) khởi động kế hoạch vũ trang cho quân nổi dậy Syria năm 2013, ngay lập tức tổ chức này hiểu rằng cần phải tìm kiếm một đối tác sẵn lòng giúp trang trải chi phí cho chiến dịch mật này.
Bên được chọn cũng là người cũ – Saudi Arabia. Kể từ đây, CIA và Riyadh đã duy trì quan hệ điều phối ở mức trên thường lệ nhằm thực hiện sứ mệnh huấn luyện quân nổi dậy Syria, mà phía người Mỹ gọi bằng mật danh là “Chiến dịch Timber Sycamore”. Các quan chức và cựu quan chức trong chính quyền Mỹ tiết lộ, theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên, Saudi Arabia chịu trách nhiệm cung cấp vũ khí, tài chính, còn CIA đảm trách việc huấn luyện cho “lực lượng ôn hòa” Syria chiến thuật, kĩ năng sử dụng súng AK-47 và tên lửa chống tăng.
Quốc vương Saudi Arabia Salman (trái) trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, tháng 9/2015. Ảnh: Reuters |
Hoạt động hợp tác hỗn hợp này chỉ là một chương mới nhất trong quan hệ kéo dài nhiều thập kỉ qua giữa hai cơ quan tình báo của Mỹ và Saudi Arabia – một liên minh từng sát cánh cùng nhau trong vụ scandal Iran-contra, hỗ trợ chiến binh thánh chiến (mujahedeen) chống Liên Xô trong cuộc chiến ở Afghanistan, cùng với đó là các cuộc chiến tranh ủy quyền ở châu Phi. Chương trình trang bị và huấn luyện hỗn hợp này, vốn có sự đóng góp tài chính của một số nước Trung Đông khác, vẫn tiếp tục được triển khai ngay tại thời điểm quan hệ Mỹ - Saudi Arabia không còn được mặn nồng. Quan hệ xưa cũ liên quan đến giá dầu thấp và những chuyển động địa chính trị từng là nhân tố gắn kết Riyadh và Washington dần lỏng lẻo, khi mà Mỹ ngày một ít phụ thuộc hơn vào dầu lửa từ bên ngoài, cùng với đó là việc chính quyền Obama cải thiện quan hệ với Iran, một địch thủ của Saudi Arabia.
Dù công khai thừa nhận trợ giúp vũ trang cho quân nổi dậy Syria, nhưng chính quyền Saudi Arabia chưa bao giờ tiết lộ tầm mức quan hệ đối tác với CIA trong chiến dịch “hành động bí mật”, cũng như về nguồn tài chính trợ hỗ trợ. Chi tiết các bước đi mờ ám này được tờ New York Times (Mỹ) dựng lại thông qua các cuộc phỏng vấn với các cựu quan chức Mỹ, cùng với nguồn tin ẩn danh tại một số quốc gia vùng Vịnh.
Theo đó, ngay tại giai đoạn đầu triển khai, Riyadh đã đóng vai trò là người bơm tiền cho quân đối lập Syria. “Họ hiểu là họ cần chúng tôi và chúng tôi cũng hiểu là cần có họ”, Mike Rogers, cựu nghị sĩ Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ tại thời điểm kế hoạch phối hợp đi vào thực thi, bày tỏ. Tuy nhiên, ông này từ chối đề cập thông tin chi tiết về chương trình mật này. Giới chức Mỹ không tiết lộ rõ về khoản tiền đóng góp của Riyadh, thế nhưng ước tính tổng số lượng cho gói vũ trang và huấn luyện phải lên tới vài tỉ USD. Nhà Trắng cũng “mở rộng vòng tay” đón nhận nguồn tài chính đến từ ngoài, đó là Qatar, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ - những nước lên tiếng đáp lời khi ông Obama thúc ép các quốc gia vùng Vịnh cần đảm trách vai trò an ninh to lớn hơn ở khu vực.
Trước thời điểm ông Obama ký quyết định vũ trang cho quân đối lập Syria, Qatar và Saudi Arabia cũng đã ngấm ngầm bơm vũ khí cho lực lượng này. Người chỉ huy chiến dịch này cho Riyadh là Hoàng tử Bandar bin Sultan, Giám đốc Cơ quan Tình báo Saudi Arabia (GID). Các điệp viên người Saudi đã mua hàng nghìn khẩu AK-47 cùng hàng triệu băng đạn từ các nước Đông Âu để chuyển sang Syria.
Bản thân CIA lúc đó cũng chỉ giữ vai trò “bên lề”, trợ giúp việc thu xếp một số “hợp đồng” mua bán. Nguyên do là bởi lúc đó chương trình Timber Sycamore sơ khởi chỉ dừng ở cấp độ cung cấp vũ khí phi sát thương cho quân nổi dậy. Đến mùa xuân năm 2013, ông Obama chính thức chấp thuận để CIA bắt đầu công việc vũ trang, huấn luyện trực tiếp cho phe nhóm đối lập Syria, sửa đổi chương trình Timber Sycamore theo hướng cho phép viện trợ vũ khí sát thương. Theo thỏa thuận mới, CIA phụ trách công tác huấn luyện (chủ yếu tại các trại ở Jordan), còn GID cung cấp tiền, vũ khí, trong đó có cả tên lửa chống tăng TOW.
Trong tương lai gần, mối quan hệ giữa CIA và GID sẽ vẫn được duy trì bền chặt, mà cơ bản nhất là mối liên hệ giữa những người đứng đầu. Hoàng tử Mohammed bin Nayef, Bộ trưởng Nội vụ, người thay thế Bandar bin Sultan phụ trách phần việc hỗ trợ quân nổi dậy Syria, là người biết rất rõ Giám đốc CIA John O. Brennan, từ khi ông này còn là trưởng đại diện của CIA tại Riyadh hồi những năm 1990. Nhiều quan chức tình báo, cả đương nhiệm và từ nhiệm, cho rằng việc Mỹ và Saudi Arabia duy trì kênh liên lạc bí mật này đem lại lợi ích cho cả hai. Khi mà người Saudi có xu hướng đáp trả những chỉ trích của Mỹ mỗi khi Riyadh có bước đi riêng, kênh bí mật này sẽ đóng vai trò hướng lái cách hành xử của vương triều Saudi đối với lợi ích của Mỹ.