Theo trang tin Politico.eu, các quan chức Mỹ và Hà Lan đã đạt được thỏa thuận tại Washington nhằm áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu công nghệ vi mạch tiên tiến sang Trung Quốc.
Thỏa thuận trên được coi là một thắng lợi lớn với Washington trong nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường công nghệ. Đáng chú ý, hạn chế mới sẽ ngăn chặn việc bán thiết bị in vi mạch tiên tiến của tập đoàn khổng lồ Hà Lan ASML, một trong số ít công ty trên thế giới có thể sản xuất máy in cần thiết để sản xuất chất bán dẫn cao cấp, vốn đang là tâm điểm trong cuộc chiến công nghệ ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Politico dẫn nguồn tin từ những người liên quan đến vấn đề này cho biết Chính phủ Hà Lan hiện sẽ làm việc về các chi tiết pháp lý cụ thể để thực hiện thỏa thuận, nhưng bất kỳ lệnh cấm xuất khẩu nào cũng có thể mất vài tháng để có hiệu lực.
Thỏa thuận mới dự kiến sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Hà Lan và các nước khác thuộc EU, vì nó sẽ tạo ra một chế độ kiểm soát xuất khẩu song song giữa Mỹ, Hà Lan và các nước khác, thách thức quan điểm chung của EU đối với Trung Quốc.
Cuộc thảo luận giữa Mỹ và Hà Lan ở Washington cũng có sự tham gia của Nhật Bản, quốc gia kiểm soát các bộ phận quan trọng khác của thị trường thiết bị chip. Đàm phán đã diễn ra trong nhiều tháng và nóng lên khi Mỹ áp đặt các hạn chế xuất khẩu của riêng mình đối với công nghệ chip tiên tiến sang Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái.
Tin tức về thỏa thuận mới trên lần đầu tiên được Bloomberg thông báo.
Hà Lan là nước đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Mỹ nhằm cắt đứt nguồn cung cấp vi mạch cho Trung Quốc. Nhật Bản đã phát tín hiệu ủng hộ trước khi tham gia cùng với Mỹ, nhưng Hà Lan trước đây đã có quan điểm thận trọng hơn, cho rằng việc hạn chế bán hàng cho Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và chiến lược dài hạn của ASML.
"Chúng tôi biết rằng các bước đã được thực hiện hướng tới một thỏa thuận giữa các chính phủ, theo quan điểm của chúng tôi, sẽ tập trung vào công nghệ sản xuất chip tiên tiến, nhưng không giới hạn ở các công cụ in thạch bản tiên tiến. Trước khi có hiệu lực, nó phải được trình bày chi tiết", ASML cho biết trong một tuyên bố.
Theo ba quan chức trực tiếp tham gia vào các cuộc thảo luận, Mỹ đã dành nhiều tháng để thuyết phục Hà Lan về sự cần thiết phải có một đường lối chính trị mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Washington đã lôi kéo quốc gia Bắc Âu này bằng cách mời Hà Lan đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ năm nay, một sự kiện thường niên do Nhà Trắng khởi xướng nhằm thúc đẩy các giá trị dân chủ trên toàn thế giới.