Đây được xem là một động thái hòa giải nhằm thúc đẩy Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã cáo buộc nhóm làm việc chung về Triều Tiên cản trở trao đổi và hợp tác liên Triều và kêu gọi giải thể nhóm này.
Về phía Mỹ, trong tuyên bố của mình, ông Sung Kim khẳng định nhóm làm việc trên không bị giải thể mà được "điều chỉnh lại". Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng cho biết tham vấn và hợp tác với Hàn Quốc về chính sách đối với Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục.
Theo giới phân tích, sự khác nhau về từ ngữ trong thông báo của phía Hàn Quốc và Mỹ cho thấy giữa hai bên vẫn có chỗ chưa “đồng điệu” về vấn đề Triều Tiên. Có vẻ như Seoul hy vọng sẽ chính thức kết thúc hoạt động của nhóm trên trong khi đang tìm cách tạo động lực mới để nối lại đối thoại hạt nhân bị đình trệ, còn Washington thấy ít lý do cần phải làm như vậy.
Đặc phái viên hạt nhân Mỹ về vấn đề Triều Tiên kiêm Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim vừa có chuyến công tác 5 ngày tại Seoul. Trả lời phỏng vấn ngày 23/6 trước khi kết thúc chuyến thăm Seoul để tới Jakarta, ông Sung Kim cho biết ông đã có các cuộc thảo luận “tuyệt vời” với các quan chức hàng đầu của Hàn Quốc, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi đối thoại của Washington với Bình Nhưỡng.
Trong thời gian ở thăm Seoul, ông Sung Kim đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng như có các cuộc thảo luận song phương, ba bên với những người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và Nhật Bản Takehiro Funakoshi, đồng thời hội đàm với giới học giả và xã hội dân sự Hàn Quốc. Trong các cuộc gặp, ông Sung Kim tái khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên "vào bất kỳ lúc nào và nơi nào mà không cần điều kiện tiên quyết", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc nối lại đàm phán ngoại giao về vấn đề hạt nhân với Triều Tiên
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Sung Kim tới Hàn Quốc kể từ khi được Tổng thống Mỹ Joe Biden bổ nhiệm vào vị trí Đặc phái viên về Triều Tiên hồi tháng trước.