Theo đó, cuộc tham vấn cấp cao đầu tiên diễn ra tại Soeul ngày 4/8 giữa Phó đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Jung Pak và các quan chức từ Bộ Ngoại giao, Bộ Thống nhất, Văn phòng Tổng thống và Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc. Theo thông báo, tại cuộc tham vấn, hai bên đã thảo luận về tình hình trên Bán đảo Triều Tiên , triển vọng hợp tác nhân đạo, hợp tác về vấn đề Triều Tiên với các bên tại các diễn đàn đa phương, trong đó có hợp tác 3 bên với Nhật Bản.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết 2 bên cũng thảo luận về các dự án liên Triều mà 2 miền Triều Tiên có thể tự triển khai. Thông báo của bộ trên nêu rõ, bên cạnh việc thảo luận về các nhiệm vụ mà Hàn Quốc và Mỹ nên hợp tác thực hiện, quan chức hai bên cũng bàn về các nhiệm vụ mà 2 miền Triều Tiên có thể hợp tác triển khai một cách độc lập.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng khẳng định cuộc tham vấn cho thấy 2 bên tiếp tục duy trì cam kết hợp tác trong vấn đề Triều Tiên. Phía Hàn Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác song phương trong bối cảnh 2 bên đều muốn thúc đẩy mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn và xây dựng nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, Seoul thông báo bà Pak và những người đồng cấp Hàn Quốc đã thảo luận về cách thức để sớm nối lại đàm phán Mỹ- Triều. Trước khi bà Pak đến Hàn Quốc, cấp trên của bà là Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim cũng đã thăm quốc gia này và cho biết Mỹ sẵn sàng gặp Triều Tiên “bất kỳ khi nào và ở đâu” mà không kèm điều kiện.
Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào bế tắc từ đầu năm 2019. Trong khi đó, quan hệ liên Triều cũng rơi vào trạng thái lạnh nhạt trong suốt thời gian này. Đây cũng là thời gian Triều Tiên đóng cửa các đường biên giới để ngăn chặn đại dịch COVID-19 xâm nhập. Đăc biệt, các kênh liên lạc trực tiếp giữa 2 miền Triều Tiên cũng bị gián đoạn trong 13 tháng qua sau khi Bình Nhưỡng cho nổ văn phòng liên lạc để phản đối việc một số tổ chức ở Hàn Quốc rải truyền đơn phản đối Triều Tiên ở vùng biên giới 2 nước. Trong dấu hiệu cải thiện mới nhất, tuần trước, Hàn Quốc và Triều Tiên đã mở lại các kênh liên lạc trực tiếp.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết chính quyền Washington đang phác thảo kế hoạch nới lỏng một phần các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên thực hiện các bước phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, việc nới lỏng dần các biện pháp trừng phạt sẽ khó tiến triển nếu không có sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ. Báo cáo cũng lưu ý việc Quốc hội Mỹ sẽ xem xét liệu có và làm thế nào để thúc đẩy chính quyền Washington "viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên mà không vi phạm các lệnh trừng phạt”.